Check list Audit Website tổng thể đầy đủ và chi tiết nhất

technical-SEO-checklist

Tóm tắt ý chính

  • Chúng ta cần dọn dẹp sạch sẽ để người dùng và Google có 1 trải nghiệm tốt nhất khi “bước” vào website của chúng ta.
  • .
  • .
  • Điều này rất quan trọng khi trang web có dữ liệu nhạy cảm như thông tin cá nhân hoặc thông tin tài chính của bạn.
  • Mỗi 1 trang đích có duy nhất 1 heading H1 (trang chủ nên đặt vào logo, có alt cho logo), có các h2 để bổ sung, làm rõ nghĩa cho H1, tương tự với các H3 và H4.

Audit Website là 1 đầu việc khá là quan trọng đối với mình, đặc biệt là ở đầu dự án. Nôm na như kiểu trước khi chúng ta bắt đầu những thứ quan trọng trọng như content. Chúng ta cần dọn dẹp sạch sẽ để người dùng và Google có 1 trải nghiệm tốt nhất khi “bước” vào website của chúng ta.

Các yếu tố Audit Website bên dưới liên quan đến các quá trình crawl (thu thập dữ liệu), index (lập chỉ mục), render (kết xuất) của công cụ tìm kiếm. Hai phần quan trọng khiến website chúng ta “xịn” hơn trong mắt người dùng và Google có thể kể đến:

  • Checklist technical, UI, UX
  • Kiểm soát số lượng và chất lượng: index, Backlink, Internal link và External link

Được rồi đi thôi, giờ mình sẽ đi vào chi tiết từng phần nhé.

1. Danh sách 21 Checklist technical, UI, UX

Mục tiêu: giúp Google dễ dàng đọc, hiểu, tốn ít tài nguyên để “craw dữ liệu”, đối với người dùng thì từng trang đích thân thiện (load nhanh và đẹp) với thiết bị, dễ dàng thao tác đọc, mua hàng.

Sơ bộ 21 checklist như sau:

1.1. Lựa chọn phiên bản tên miền chính thức

Một website sẽ có 4 phiên bản: http://domain.com, http://www.domain.com, https://domain.com, https://www.domain.com.

Chúng ta lựa chọn 1 trong 2 phiên bản https://domain.com, https://www.domain.com là phiên bản chính thức. Sau đó redirect 301, 3 phiên bản còn lại về phiên bản chính thức.

1.2. Chứng chỉ bảo mật SSL/https

SSL là chữ viết tắt của Secure Sockets Layer (Lớp socket bảo mật). Một loại bảo mật giúp mã hóa liên lạc giữa website và trình duyệt. Công nghệ này đang lỗi thời và được thay thế hoàn toàn bởi TLS.

TLS là chữ viết tắt của Transport Layer Security, nó cũng giúp bảo mật thông tin truyền giống như SSL. Nhưng vì SSL không còn được phát triển nữa, nên TLS mới là thuật ngữ đúng nên dùng. HTTPS là phần mở rộng bảo mật của HTTP. Website được cài đặt chứng chỉ SSL/TLS có thể dùng gaio thức HTTPS để thiết lập kênh kết nối an toàn tới server.

Sử dụng chứng chỉ bảo mật để tăng cường bảo mật cho website. HTTPS yêu cầu trình duyệt phải mã hóa những dữ liệu được trao đổi với một trang web. Việc mã hóa giúp giấu dữ liệu và giảm bớt nguy cơ thông tin của bạn bị xem hoặc sửa đổi. Điều này rất quan trọng khi trang web có dữ liệu nhạy cảm như thông tin cá nhân hoặc thông tin tài chính của bạn.

Tham khảo tài liệu Google tại đây

1.3. Robots.txt

Truy cập file bằng cách gõ trên trình duyệt: domain.com/robots.txt sau đó kiểm tra xem file robots.txt đang cho phép và không cho phép BOT truy cập vào phần gì trên website.

Tham khảo tài liệu Google tại đây

1.4. Sơ đồ trang web (Sitemap)

Có 3 loại sitemap phổ biến: sitemap XML, sitemap XML Images, sitemap người dùng. Nhớ thêm sitemap đã khởi tạo vào Search Console, kiểm tra xem sitemap đã hoạt động chưa.

Tham khảo tài liệu Google tại đây

1.5. URL thân thiện

Chứa từ khoá, không dấu, không nên có ký tự đặc biệt. URL nên phân cấp và không quá 4 cấp: domain.com/danh-muc-lon/danh-muc-nho/bai-viet-chi-tiet.html

Tham khảo tài liệu Google tại đây

1.6. Heading

Heading có 6 cấp: H1, H2, H3, H4, H5, H6 và Heading giúp người dùng biết được từng trang đích có những đầu mục nào dễ dàng scan được nội dung nhanh nhất có thể. Mỗi 1 trang đích có duy nhất 1 heading H1 (trang chủ nên đặt vào logo, có alt cho logo), có các h2 để bổ sung, làm rõ nghĩa cho H1, tương tự với các H3 và H4.

1.7. Tốc độ tải trang

Truy cập công cụ Pagespeed Insights: https://pagespeed.web.dev/?hl=vi sau đó kiểm tra, gửi code sửa theo gợi ý của Google, nghiệm thu với code dựa vào công cụ trên. Về cơ bản mình sẽ: tối ưu hóa hình ảnh, CSS và JavaScript, sử dụng bộ nhớ đệm trang web, sử dụng CDN (Content Delivery Network).

1.8. Kiểm tra tổng thể 5 phương diện bởi Lighthouse

Lighthouse sẽ cho report 5 phần: Performance, Accessibility, Best Practices, SEO và Progressive Web App. Kiểm tra, gửi code sửa theo gợi ý của Google, nghiệm thu với code.

Xem hướng dẫn từ tài liệu Google tại đây

1.9. Đường dẫn ngược (Breadcrumb)

Kiểm tra các trang đích: page tĩnh, danh mục, bài viết đã có đường dẫn ngược hay chưa. Đường dẫn ngược thể hiện cấu trúc website, được phân cấp như thế nào. Ví dụ: đường dẫn ngược cho 1 bài viết chi tiết như sau: Trang chủ / Danh mục lớn / Danh mục nhỏ.

1.10. Dữ liệu cấu trúc (Schema)

Kiểm tra từng trang đích đã có, đúng và đủ dữ liệu cấu trúc: trang chủ, page tĩnh, danh mục, bài viết. Kiểm tra tại công cụ chính thức của Google tại đây

Tham khảo tài liệu Google tại đây

1.11. Ảnh

Rà soát lại toàn bộ ảnh đã đạt các tiêu chí như sau: kích thước, dung lượng, độ nét, đường dẫn ảnh, alt, ngữ cảnh chèn ảnh,…

Tham khảo tài liệu Google tại đây

1.12. Canonical

Kiểm tra đại diện cho từng loại trang đích đang khai báo thẻ canonical ra sao.

Tham khảo tài liệu Google tại đây

1.13. Favicon

Tưởng chừng là 1 tiêu chí rất nhỏ, nhưng đối với Google và người dùng lại rất quan trọng. Ở checklist này cần kiểm tra xem favicon đã được hiển thị và đáp ứng nguyên tắc Google đưa ra hay không.

Tham khảo tài liệu Google tại đây

1.14. Bình luận

Ở 3 trang đích nên hiển thị và cho phép người dùng để lại bình luận gồm: page tĩnh, bài viết sản phẩm, bài viết tin tức.

Đối với Google phần bình luận có thể giúp SEOer tăng mật độ từ khoá cho trang đích, Google cũng nhận định trang đích có nhiều tương tác tự nhiên từ người dùng.

Với khách hàng thì ngoài thông tin mình cung cấp trong bài viết hoặc giới thiệu sản phẩm, khách hàng muốn đọc các câu hỏi, câu trả lời, Feedback về thông tin, sản phẩm. Thậm chí còn giúp họ dễ dàng đặt câu hỏi, hoặc tham gia vào cuộc thảo luận về thông tin trong bài viết.

1.15. Thẻ ngôn ngữ (Hreflang)

Nếu website bạn SEO trên nhiều thị trường khác nhau, hãy khai báo thẻ ngôn ngữ tương ứng với từng quốc gia để giúp Google hiểu và lựa chọn phiên bản phù hợp với người dùng ở các quốc gia khác nhau.

Tham khảo tài liệu Google tại đây

1.16. Trình soạn thảo văn bản

Đây là 1 checklist vô cùng quan trọng vì phần lớn thời gian dự án chúng ta sẽ triển khai bài đăng. Chúng ta cần 1 trình soạn thảo văn bản có các chức năng quan trọng như sau: lựa chọn được thẻ Heading, font chữ, màu sắc, size, căn lề, tạo bảng, chèn ảnh, video,….

1.17. Liên kết gãy (broken link)

Liên kết gãy là liên kết vì một số lý do như: link bị xoá (404), link bị sai không truy cập được,… Ở đầu dự án và giữa dự án tiến hành rà soát toàn bộ liên kết gồm (internal và external link) trên website của mình.

Khi phát hiện được “broken link” sẽ tiến hành: sửa lại link đúng, redirect về trang đích phù hợp hoặc không có trang đích phù hợp thì tiến hành xoá index (internal link) trong bài viết và cả trong Search Console.

Có thể sử dụng 2 công cụ phổ biến như: Screaming Frog hoặc Website Auditor

1.18. Trang 404

Khi 1 trang đích bị xoá, website sinh ra 1 mã phản hồi hiển thị nội dung này không tồn tại nữa ngay trên chính URL mà chúng ta vừa truy cập.

Lời khuyên những thành phần nên xuất hiện trong mã phản hồi gồm: Một đoạn text thông báo về nội dung này không còn tồn tại nữa, nút về trang chủ, thanh search và có thể gợi ý một số nội dung hấp dẫn trên website của mình.

1.19. Nội dung trang đích bị chặn hiển thị

Kiểm tra random và đặc biệt các trang đích quan trọng có đang sử dụng JavaScript, Có, hình ảnh mà có thể ngăn cản bot đọc được nội dung của trang. Một mẹo nhỏ khi muốn kiểm tra 1 url sẽ dùng: cache:domain.com/bai-viet-01.html

1.20. Core Web Vitals

Tối ưu hóa các chỉ số quan trọng về trải nghiệm người dùng trên web, bao gồm: LCP (Largest Contentful Paint), FID (First Input Delay), CLS (Cumulative Layout Shift).

Tham khảo tài liệu Google tại đây

1.21. Search Console

Khi truy cập vào Search Console chúng ta cần kiểm tra các Tab sau: lập chỉ mục (bao gồm: trang, trang có video, sơ đồ trang web), trải nghiệm (bao gồm: Trải nghiệm trên trang, Chỉ số quan trọng chính của trang web, HTTPS).

Đặc biệt rà soát 2 phần siêu quan trọng là bảo mật & thao tác thủ công để xem website có đang gặp vấn đề gì bảo mật, có đang bị nhận 1 án phạt chính thức nào từ Google.

2. Kiểm soát số lượng và chất lượng index

index-website

Google ngày càng quá tải và khó khăn trong việc lập chỉ mục, đặc biệt là rất khắt khe cho việc “index” với các website mới. Với các website cũ, những người làm SEO không kiểm soát số lượng và chất lượng index với từng trang đích cho website của mình sẽ gây ra 2 hệ quả:

  • Một là Google sẽ đánh giá và giảm điểm chất lượng toàn trang.
  • Hai là Google sẽ “de-index” một số lượng link đáng kể (có thể tới 30%) nếu cho rằng số lượng URL của website mình đang không mang lại giá trị đối với người dùng.

2.1. Kiểm soát số lượng, lỗi index

Sử dụng cú pháp “site:domain.com” trên Google Search: Nhập cú pháp này vào thanh tìm kiếm của Google để xem Google đã index bao nhiêu trang web của bạn. Sử dụng Google Search Console: Truy cập Google Search Console và vào phần “Index Coverage” để xem số lượng trang web đã được index, cũng như các lỗi index nếu có

2.2. Phân loại và cải thiện chất lượng index

2.2.1. Phân loại index dựa vào cú pháp site:domain.com

Index rác, gồm index phân trang, index từ những url của website demo, index từ mã độc: tiến hành xoá url và xoá index trong phần “xoá URL” trong công cụ Search Console. Viết nội dung cho các URL đã được index nhưng chưa được viết tiêu đề SEO, mô tả SEO

2.2.2. Phân loại CHẤT LƯỢNG index dựa vào công cụ Search Console

Google Search Console sẽ thống kê cho chúng ta tối đa 1.000 URL mang lại nhiều traffic nhất cho website của chúng ta.

Khi có danh sách này chúng ta phân loại thành URL xịn (gần như lên TOP hết danh sách từ khoá chính, phụ cho 1 URL), URL chưa lên TOP tổng thể toàn bộ từ khoá của trang đích: chúng ta tiến hành Audit bài viết để đẩy TOP tổng thể nhằm lấy hết traffic cho từng trang đích.

Những URL không nằm trong 1.000 URL chúng ta cân đối tối ưu hoá tiếp hoặc xoá và xoá index để từng URL đều là những URL chất lượng (lên TOP và có traffic, mang lại giá trị với người dùng).

Lời khuyên:

  • Nên kiểm soát số lượng index định kỳ 2 tuần 1 lần, việc này giúp bạn nhận thấy tình trạng index cho những bài viết mới có ổn không, bài viết cũ có bị Google de-index. Đặc biệt website có bị mã độc gây ra tình trạng spam hàng loạt URL mã độc trong cùng 1 thời điểm
  • Tối ưu hóa cấu trúc website, tốc độ tải trang, nội dung cập nhật, internal link, schema, SSL, mobile friendly, core web vitals để cải thiện chất lượng website và thu hút sự quan tâm của Googlebot.
  • Khai báo URL, submit sitemap, ping URL, chia sẻ nội dung trên mạng xã hội, đặt liên kết từ các website khác để đẩy nhanh quá trình index URL trên Google
  • Xoá index những URL không cần thiết, lạ, rác, mã độc bằng cách sử dụng thẻ noindex, file robots.txt, file .htaccess hoặc yêu cầu xoá URL trên Google Search Console
  • Kiểm soát index thường xuyên, sắp xếp link index theo từng nhóm từ khóa chủ đề, đánh giá link index có mang lại giá trị cho người dùng hay không
  • Chất lượng nội dung là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc index website

3. Kiểm soát số lượng và chất lượng Backlink

Backlink là đầu công việc có thể nói là “nhạy cảm” nhất trong một dự án SEO. Phần lớn những án phạt của Google dành tặng các website đến từ đầu công việc này. Cần chú trọng, thống kê và điều chỉnh định kỳ hàng quý.

kiem-soat-so-luong-va-chat-luong-backlink

Sử dụng công cụ: Ahrefs (giúp bạn kiểm tra số lượng backlink, cập nhật backlink nhiều và nhanh nhất) và Google Search Console (giúp bạn xem chính xác backlink nào đang được Google ghi nhận cho website của bạn).

3.1. Kiểm soát số lượng Backlink

Loại bỏ backlink xấu:

  • Sử dụng công cụ disavow của Google Search Console để loại bỏ backlink xấu, tại đây
  • Chi tiết hướng dẫn tại đây

Phân loại backlink theo tiêu chí:

  • Số lượng backlink đang trỏ về, tập trung vào loại trang đích nào: trang chủ, danh mục, bài viết, page tĩnh
  • Tỷ lệ refer domain:total backlink toàn website như thế nào, chênh lệch % có quá chênh lệch không
  • Loại backlink, kèm số lượng từ: báo chí, social, guestpost, PBN, textlink, link profile,…

3.2. Kiểm soát chất lượng Backlink

Đánh giá các yếu tố sau:

  • Độ uy tín của website liên kết: Website liên kết có traffic, uy tín và chất lượng cao hay không?
  • Sự liên quan của website liên kết: Website liên kết có liên quan đến chủ đề website của bạn hay không?
  • Chất lượng nội dung: Nội dung trên website liên kết có chất lượng cao hay không?
  • Vị trí của backlink: Backlink được đặt ở vị trí nào trên website liên kết?

Loại bỏ backlink xấu: sử dụng công cụ disavow của Google Search Console để loại bỏ backlink xấu hoặc liên hệ trực tiếp với website đang liên kết đến bạn để yêu cầu họ xóa backlink.

Lưu ý: Tập trung vào backlink chất lượng hơn số lượng.

4. Kiểm soát số lượng và chất lượng Internal link

Liên kết gồm (internal link, external link và backlink), hiểu nôm na là các phiếu bầu xếp hạng từ khoá đối với Google về một trang đích bất kỳ. Internal link là loại liên kết mà người làm SEO chủ động nhất trong việc thêm, xoá, sửa về số lượng và chất lượng nhất.

kiem-soat-so-luong-va-chat-luong-internal-link

Sử dụng công cụ:

  • Ahrefs: Giúp bạn kiểm tra số lượng internal link, anchor text, v.v.
  • SEMrush: Giúp bạn phân tích internal link của đối thủ cạnh tranh
  • Screaming Frog: Giúp bạn kiểm tra các liên kết bị hỏng trên website

4.1. Kiểm soát số lượng Internal link

Đánh giá số lượng internal link trên mỗi trang:

  • Mỗi trang nên có một số lượng internal link phù hợp, việc đặt internal link nên hướng đến việc điều hướng người dùng theo hành trình đọc và tìm hiểu thông tin dịch vụ, sản phẩm
  • Kiểm soát chi tiết mỗi trang đích đang nhận được số lượng internal link, đến từ chi tiết trang đích nào
  • Số lượng internal link nên được phân bố đều trên từng trang đích. Không chỉ nên dồn về 1 vài trang đích trên website

Loại bỏ internal link không cần thiết:

  • Loại bỏ các internal link không liên quan đến nội dung trang
  • Loại bỏ các internal link bị hỏng

4.2. Kiểm soát chất lượng Internal link

Đánh giá các yếu tố sau:

  • Sự liên quan: Internal link có liên quan đến nội dung trang hay không?
  • Anchor text: Anchor text có mô tả chính xác nội dung trang liên kết hay không?
  • Vị trí của internal link: Internal link được đặt ở vị trí nào trên trang?

Cải thiện chất lượng internal link:

  • Thêm internal link vào các từ khóa quan trọng trong nội dung
  • Đảm bảo đa dạng anchortext của từ khoá chính và danh sách từ khoá phụ
  • Sử dụng anchor text mô tả chính xác nội dung trang liên kết (phù hợp ngữ cảnh)
  • Đặt internal link ở vị trí dễ nhìn thấy và dễ click đối với người dùng
  • Kiểm soát tận cùng chất lượng internal link trỏ về bằng cách nắm rõ TOP & traffic từ các trang đích đang trỏ về

Lưu ý: Tập trung vào chất lượng internal link hơn số lượng.

5. Kiểm soát số lượng và chất lượng External link

External link có vai trò giúp bổ sung, đưa ra dẫn chứng về việc thông tin mình cung cấp được chứng thực bởi tổ chức uy tín nào.

kiem-soat-so-luong-va-chat-luong-external-link

Sử dụng công cụ:

  • Ahrefs: Giúp bạn kiểm tra số lượng external link, nguồn gốc external link, v.v.
  • SEMrush: Giúp bạn phân tích external link của đối thủ cạnh tranh
  • Google Search Console: Giúp bạn xem các trang web đang liên kết đến website của bạn

5.1. Kiểm soát số lượng External link

Đánh giá số lượng external link trên mỗi trang:

  • Mỗi trang nên có một số lượng external link ít nhất có thể
  • Số lượng external link nên được phân bố đều trên từng trang đích

Loại bỏ external link không cần thiết:

  • Loại bỏ các external link không liên quan đến nội dung trang
  • Loại bỏ các external link bị hỏng
  • Đặc biệt loại bỏ các external link trỏ đến các website có độ uy tín kém. Các website không có TOP và traffic

5.2. Kiểm soát chất lượng External link

Đánh giá các yếu tố sau:

  • Độ uy tín của website liên kết: Website liên kết có uy tín và chất lượng cao hay không?
  • Sự liên quan của website liên kết: Website liên kết có liên quan đến website của bạn hay không?
  • Chất lượng nội dung: Nội dung trên website liên kết có chất lượng cao hay không?
  • Vị trí của external link: External link được đặt ở vị trí nào trên website liên kết?

Cải thiện chất lượng external link:

  • Thêm external link vào các nguồn thông tin uy tín và chất lượng cao
  • Sử dụng anchor text mô tả chính xác nội dung trang liên kết
  • Đặt external link ở vị trí dễ nhìn thấy và dễ click

Lưu ý:

  • Việc xây dựng external link cần thời gian và nỗ lực
  • Tập trung vào chất lượng external link hơn số lượng
  • Tránh sử dụng các chiến lược black hat để xây dựng external link

Trên đây là toàn bộ tư duy cũng như thực thi để áp dụng Audit website tổng thể khi chúng ta bắt đầu triển khai một dự án bất kỳ. Bắt tay vào làm thôi các bạn, chúc may mắn nhé!

Nguồn: Hà Việt Nam


Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý độc giả đã đọc bài viết. Mọi thắc mắc về nội dung hoặc các khiếu nại về bản quyền, xin vui lòng gởi thông tin vào địa chỉ email: knowalot.net@gmail.com

Mr. Know xin chân thành cám ơn.

Dark mode