Bệnh phân trắng | Hội chứng phân trắng (White Feces Syndrome) trên tôm là gì?

Tóm tắt ý chính

  • Bệnh phân trắng trên tôm được phát hiện và báo cáo từ khoảng những năm 2000, và được coi là một trong những vấn đề cực kì nghiêm trọng mà nghề nuôi tôm nói chung và nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng, trên toàn thế giới phải đối mặt.
  • Cả tôm thẻ chân trắng và tôm sú đều có thể bị bệnh phân trắng, tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh phân trắng trên tôm thẻ chân trắng thường cao hơn trên tôm sú.
  • Thời tiết nóng bất thường từ hiện tượng El Nino làm cho nhiệt độ tăng cao trên toàn lãnh thổ, kéo theo nhiệt độ nước ao nuôi tại các trang trại nuôi tôm cũng tăng theo (từ 320C đến 340C), cao hơn so với điều kiện nhiệt độ tối ưu của tôm thẻ chân trắng (từ 280C đến 300C).
  • Trải qua tiến trình gia tăng nhiệt độ như vậy, người ta bắt đầu thấy tôm xuất hiện hiện tượng ăn uống bất thường, đường ruột tôm chuyển biến xấu, trên ao xuất hiện những cọng phân trắng nổi, tôm ăn yếu dần và chết từ từ.
  • Các ao nuôi tôm sú theo hình thức thâm canh và bán thâm canh ở miền Trung đã bắt đầu gặp tình trạng phân trắng, dù cho các chủ ao đã cải tạo ao kỹ càng trước vụ nuôi và xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi.

95% sản lượng tôm nuôi trên toàn cầu là tập trung ở khu vực Châu Á, mà trọng điểm là khu vực Đông Nam Á. Các quốc gia đứng đầu về sản lượng tôm trong khu vực có thể kể đến như là Việt Nam, Thailand, Indonesia, Malaysia (khu vực Đông Nam Á) và Trung Quốc, Ấn Độ (khu vực Châu Á).

Trong số đó, hầu hết sản lượng tôm nuôi là đến từ tôm thẻ chân trắng, số còn lại là tôm sú. Tôm sú chủ yếu được nuôi tại Việt Nam và Ấn Độ. Phần còn lại là nuôi tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu tại Thailand, Indonesia và Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, bệnh phân trắng trên tôm (Hội chứng phân trắng – White Feces Syndrome – WFS) xảy ra chủ yếu ở những trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh (nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao).

ao-tom-bi-benh-phan-trang-hoi-chung-phan-trang-white-feces-syndrome

Ao tôm bị bệnh phân trắng (Nguồn: Internet)

Vậy bệnh phân trắng trên tôm là gì? Cùng công ty Thiên Tuế tìm hiểu về nguồn gốc của bệnh phân trắng và các phương án phòng bệnh cũng như điều trị bệnh phân trắng trên tôm qua bài viết sau đây nhé.

Xem thêm Các loại bệnh thường gặp ở tôm thẻ chân trắng

1. Nguồn gốc của bệnh phân trắng trên tôm

Bệnh phân trắng trên tôm được phát hiện và báo cáo từ khoảng những năm 2000, và được coi là một trong những vấn đề cực kì nghiêm trọng mà nghề nuôi tôm nói chung và nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng, trên toàn thế giới phải đối mặt.

Cả tôm thẻ chân trắng và tôm sú đều có thể bị bệnh phân trắng, tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh phân trắng trên tôm thẻ chân trắng thường cao hơn trên tôm sú.

Có báo cáo cho rằng bệnh phân trắng bùng phát lần đầu tiên từ những trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tại Thailand, ngay sau khi kết thúc mùa lạnh.

Thời tiết nóng bất thường từ hiện tượng El Nino làm cho nhiệt độ tăng cao trên toàn lãnh thổ, kéo theo nhiệt độ nước ao nuôi tại các trang trại nuôi tôm cũng tăng theo (từ 320C đến 340C), cao hơn so với điều kiện nhiệt độ tối ưu của tôm thẻ chân trắng (từ 280C đến 300C).

el-nino-la-gi

Ảnh hưởng của El Nino trên toàn cầu (Nguồn: NOAA View)

Trải qua tiến trình gia tăng nhiệt độ như vậy, người ta bắt đầu thấy tôm xuất hiện hiện tượng ăn uống bất thường, đường ruột tôm chuyển biến xấu, trên ao xuất hiện những cọng phân trắng nổi, tôm ăn yếu dần và chết từ từ.

Còn ở Việt Nam, bệnh phân trắng bắt đầu xuất hiện vào đầu những năm 2000. Thời gian đó chưa có khái niệm nuôi tôm siêu thâm canh. Các ao nuôi tôm sú theo hình thức thâm canh và bán thâm canh ở miền Trung đã bắt đầu gặp tình trạng phân trắng, dù cho các chủ ao đã cải tạo ao kỹ càng trước vụ nuôi và xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi.

cai-tao-ao-rat-can-thiet-khi-nuoi-tom

Dù cho đã cải tạo ao rất kĩ nhưng vẫn xảy ra bệnh phân trắng, nguyên nhân do đâu? (Nguồn: Internet)

Dần dần, bệnh phân trắng trên tôm cũng lan vào các khu vực nuôi tôm ở các tỉnh miền tây. Càng về sau, người nuôi bắt đầu nâng cấp mô hình nuôi tôm, từ bán thâm canh và thâm canh lên siêu thâm canh, từ đó gặp bắt đầu gặp hiện tượng phân trắng nhiều hơn.

Thiệt hại do bệnh phân trắng trên tôm (Hội chứng phân trắng – White Feces Syndrome – WFS) càng lúc càng nặng nề khi người nuôi tôm chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trên khắp cả nước.

Đã có rất nhiều người nuôi tôm, sử dụng nhiều phương pháp để kìm hãm và điều trị bệnh phân trắng, nhưng đều không thành công. Kết cục là tôm bắt đầu chết từ từ và người nuôi bắt buộc phải thu hoạch sớm để tránh tình trạng thua lỗ quá nhiều.

Trải qua rất nhiều sự cố về bệnh phân trắng, các nhà khoa học đã tìm hiểu nguyên nhân cốt lõi, từ đó đưa ra những phương án phòng bệnh và điều trị bệnh phân trắng hiệu quả nhất.

2. Nguyên nhân gây bệnh phân trắng trên tôm (Hội chứng phân trắng – White Feces Syndrome – WFS)

Các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu bệnh phân trắng trên tôm trong nhiều năm qua. Thông qua khảo sát, xét nghiệm gan tụy cũng như đường ruột của các mẫu tôm bị bệnh phân trắng, các nhà khoa học đã phát hiện ra động vật nguyên sinh Gregarine, có liên quan trực tiếp đến bệnh phân trắng.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn phát hiện ra một lượng rất lớn vi khuẩn tồn tại bên trong huyết tương, ruột và hệ gan tụy của những con tôm bị nhiễm bệnh phân trắng. Loài vi khuẩn này chính là vi khuẩn Vibrio spp.

Các chủng vi khuẩn Vibrio spp. phát hiện bên trong huyết tương của những con tôm bị phân trắng bao gồm (với tỉ lệ tương ứng): V. vulnificus (80%), V.fluvialis (44%), V.parahaemolyticus (28%), V.alginolyticus (20%), V.damseles (18%), V.minicus (8%) và V.cholera (6%). Chỉ có một lượng nhỏ gregarine được phát hiện và một lượng lớn Microsporidians được phát hiện trong gan tụy.

Ngoài ra, sự bùng phát của các loại tảo trong ao nuôi, đặc biệt là các loài tảo hại, tảo độc, cũng là nguyên nhân chính làm cho tôm bị bệnh phân trắng. Các loại tảo này có kích thước rất nhỏ, tôm lại là loài động vật ăn tạp nên rất dễ ăn nhầm những loại tảo độc, gây ra các bệnh đường ruột cho tôm.

Xem thêm Tất tần tật về các loại tảo trong ao nuôi tôm

Các tác nhân gây bệnh tấn công hệ thống gan tụy và đường ruột làm tổn thương và làm giảm chức năng hoạt động của các cơ quan này dẫn đến tôm không hấp thụ được thức ăn, kèm theo đó lại bị tấn công bởi các tác nhân cơ hội khác khiến tôm chết.

Quan sát hệ thống gan tụy trên tôm bệnh thấy, các tế bào epithelial trong ống gan tụy bị bong tróc, sau đó tập trung lại tại phần nối giữa gan tụy, dạ dày và ruột giữa trước khi bị đẩy ra ngoài.

Phân tích phân tôm thấy, thành phần chủ yếu là lipid, một số cấu trúc của hệ thống gan tụy và đường ruột và thường thấy có cả ấu trùng cũng như xác của Vermiform (được cho là nhìn giống một loài Gregarines). Đây cũng được xác định là một trong những tác nhân gây ra bệnh phân trắng (Sriurairatana S, et al. 2014).

Ngoài ra, có sự hiện diện nồng độ cao các nhóm vi khuẩn trong hệ thống gan tụy, đường ruột và phân tôm thuộc các nhóm Vibrio parahaemolyticus, Vibrio fluvialis, Vibrio alginolyticus, Vibrio mimicus, Vibrio vulnificus, Vibrio cholera và Vibrio damselae (Limsuwan, 2010).

Năm 2010, một báo cáo từ nghiên cứu nguyên nhân bệnh phân trắng của nhóm Ha và cộng sự phát hiện vi bào tử trùng Microsporidian Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) là tác nhân gây lên bệnh phân trắng.

Tóm lại, có các nguyên nhân chính gây ra bệnh phân trắng trên tôm (Hội chứng phân trắng – White Feces Syndrome – WFS):

  • Sự bùng phát quá mức của tảo độc, tảo hại.
  • Sự xuất hiện của nấm mốc (thường là do thức ăn bị hư, bị ẩm mốc hoặc thức ăn kém chất lượng).
  • Sự xâm nhập của ký sinh trùng Gregarine.
  • Sự biến đổi, bong tróc của các tế bào biểu mô của ống gan tụy (Vermiform).
  • Sự xâm nhập của vi bào tử trùng Enterocytozoon Hepatopenaei (EHP).
  • Sự bùng phát của mật độ vi khuẩn Vibrio spp. trong nước ao nuôi.

Như vậy, nếu muốn phòng và điều trị dứt điểm bệnh phân trắng, cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra bệnh để có phương án xử lý chính xác nhất.

2.1. Bệnh phân trắng do tảo độc, tảo hại

Nhóm tảo độc, tảo hại gây bệnh phân trắng cho tôm là các loại tảo như tảo lam, tảo giáp, tảo mắt. Những loại tảo này tiết ra các nhóm độc tố như:

  • Nhóm độc tố gan Hepatotoxins (hepa có nghĩa là gan).
  • Nhóm độc tố thần kinh Neurotoxins (neuro có nghĩa là thần kinh)
  • Nhóm độc tố tế bào Cytotoxins (cyto có nghĩa là tế bào)
  • Nhóm độc tố khuẩn lam Cyanotoxins (cyano có nghĩa là lam)

Những độc tố này tuy không tác động trực tiếp vào đường ruột tôm, nhưng sẽ làm cho tôm suy yếu, tạo điều kiện cho các vi khuẩn Vibrio spp. cơ hội phát triển và tấn công vào đường ruột tôm, làm cho hệ tiêu hóa của tôm bị tổn thương, dẫn đến các bệnh về tiêu hóa, điển hình như là bệnh phân trắng.

Tên nhóm độc tốCơ chế tác động
HepatotoxinsTấn công vào gan tôm, làm cho gan bị suy yếu, tạo điều kiện cho các chủng vi khuẩn Vibrio spp. cơ hội bùng phát mạnh mẽ, gây tổn thương nghiêm trọng đến gan tụy, đường ruột và toàn bộ cơ quan nội tạng của tôm.
NeurotoxinsLà tác nhân chính gây ức chế các hoạt động của cơ, đặc biệt là vùng mang tôm, làm cho tôm bị tê liệt, không thể hô hấp được (hoặc hô hấp khó khăn), dẫn đến tôm bị suy yếu và bị tấn công bởi vi khuẩn Vibrio spp. cơ hội.
CytotoxinsTấn công và phong tỏa hoạt động của các tế bào, đặc biệt là các tế bào miễn dịch, làm cho hệ miễn dịch của tôm trở nên suy yếu, mất đi khả năng chống đỡ và tạo điều kiện cho các vi khuẩn Vibrio spp. cơ hội tấn công.
CyanotoxinsĐây là nhóm chất độc đặc trưng của vi khuẩn lam (tảo lam). Trong nhóm chất độc này có đầy đủ các chất độc có khả năng tấn công gan, hệ thần kinh và cả hệ tiêu hóa.

(*) Lưu ý:

  • Hepatotoxins, Neurotoxins, Cytotoxins, Cyanotoxins là tên gọi của một nhóm độc tố (chứ không phải tên của một loại độc tố nhất định), ở mỗi nhóm độc tố sẽ có từng loại độc tố riêng biệt do từng loại tảo độc tiết ra, và mỗi loại độc tố đó sẽ có cơ chế tấn công cũng như gây độc có thể giống hoặc khác nhau.
  • Ví dụ như độc tố Cylindrospermopsins và Lyngbyatoxin-a là hai độc tố thuộc nhóm độc tố khuẩn lam Cyanotoxin, 2 độc tố này tấn công chủ yếu vào gan và hệ tiêu hóa (dạ dày, ruột) của tôm.

Tìm hiểu thêm về các loại tảo độc và tác động của cụ thể của từng loại độc tố mà chúng tiết ra tại bài viết: Tảo độc là gì? Tổng hợp các loại tảo độc và tác hại của tảo độc trong ao nuôi tôm

tom-bi-tao-doc-tan-cong

Hình ảnh tôm bị tảo độc tấn công (Nguồn: Vinhthinh Biostadt)

Bên cạnh đó, các loại tảo độc, tảo hại còn tiết ra các enzyme có khả năng gây tê liệt mô tế bào đường ruột, làm vô hiệu hóa khả năng hấp thụ thức ăn và các chất dinh dưỡng của đường ruột tôm. Dẫn đến việc tôm không tiêu hóa được thức ăn, làm cho ruột tôm bị tắc nghẽn, gây ra bệnh phân trắng trên tôm.

2.2. Bệnh phân trắng do nấm mốc

Nấm mốc cũng là một trong những tác nhân phổ biến gây bệnh phân trắng. Thông thường thì nấm mốc không xuất hiện dưới ao tôm mà xuất hiện trong thức ăn tôm.

Thức ăn cho tôm nếu không được bảo quản tốt, hoặc sử dụng thức ăn kém chất lượng thì sẽ xảy ra tình trạng bị mốc. Nếu không xử lý đúng cách mà trực tiếp cho tôm ăn thì sẽ rất nguy hiểm.

tom-the-chan-trang-bi-nhiem-nhom-doc-to-nam-moc-mycotoxins

Gan tôm bị tổn thương nặng nề do nhóm độc tố nấm mốc Mycotoxins tấn công, từ đó dẫn tới hủy hoại toàn bộ cơ quan tiêu hóa của tôm (Nguồn: internet)

Khi tôm ăn phải những loại thức ăn bị mốc thì sẽ đưa nấm mốc vào bên trong ruột tôm. Nấm mốc cũng sẽ tiết ra các loại độc tố làm ức chế đường ruột (tương tự như tảo độc, tảo hại) và biến đổi các enzyme tiêu hóa (như lipase và amylase), từ đó làm cho tôm bị phân trắng.

Xem thêm Cảnh báo về nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins) trong nuôi tôm

2.3. Bệnh phân trắng do ký sinh trùng Gregarine

Gregarine được phân loại thuộc ngành trùng hai tế bào (Apicomplexa), bao gồm tế bào phía trước (P: Protomerite) và tế bào phía sau (D: Deutomerite). Cả hai tế bào phía trước và tế bào phía sau đều có nhân với cấu trúc có thể nhìn thấy khá rõ khi được quan sát bên dưới kính hiển vi (ở độ phòng đại khoảng từ 100 đến 400 lần).

ky-sinh-trung-gregarine-khi-soi-tuoi-duoi-kinh-hien-vi

Soi tươi đường ruột tôm và phát hiện kén ký sinh trùng Gregarine và như ký sinh trùng Gregarine trưởng thành
(Nguồn: Vinhthinh Biostadt)

Tế bào phía trước của Gregarine có bộ phận bám (E: Epimerite) ở phần đầu, giúp trùng Gregarine bám vào các tế bào biểu mô ở ruột tôm. Đây là yếu tố cốt lõi gây nên các bệnh đường ruột ở tôm, đặc biệt là bệnh phân trắng.

dau-hieu-tong-the-cua-benh-phan-trang-tren-tom

Dấu hiệu tổng thể của bệnh phân trắng trên tôm
(a): chuỗi phân trắng nổi trên ao; (b): dây phân trắng xuất hiện trong khay ăn (nhá / vó); (c) hạt dầu (hạt mỡ, có hình dáng như hạt gạo) trong đường ruột tôm; (d) ký sinh trùng Gregarin trong đường ruột tôm; (e) ruột tôm bị nhiễm ký sinh trùng, quan sát bằng kính hiển vi; (f) tôm bị ốp thân và bắt đầu chết dần
(nguồn: Siriporn Sriurairatana, Visanu Boonyawiwat, Warachin Gangnonngiw, Chaowanee Laosutthipong,
Jindanan Hiranchan, Timothy W. Flegel)

Cơ chế gây bệnh phân trắng trên tôm của Gregarine khá phức tạp, cụ thể như sau:

  • Ký sinh trùng Gregarine sẽ bám vào các tế bào biểu mô ở ruột tôm.
  • Gregarine sẽ tranh dành chất dinh dưỡng của tôm ⇒ tôm không hấp thụ được chất dinh dưỡng cần thiết cho sinh trưởng và phát triển.
  • Gregarine chiếm không gian bên trong đường ruột tôm (trong lòng ống tiêu hóa), làm suy giảm hệ miễn dịch của tôm (thay đổi đáp ứng miễn dịch) và gây tổn thương đến các tế bào biểu mô bên trong đường tiêu hóa ⇒ tạo điều kiện cho sự xâm nhập và tấn công của vi khuẩn Vibrio spp. cơ hội.

Xem thêm Nguyên nhân gây bệnh phân trắng: Ký sinh trùng Gregarine | Nguồn gốc và cơ chế gây bệnh

2.4. Bệnh phân trắng do sự biến đổi, bong tróc của các tế bào biểu mô của ống gan tụy (Vermiform)

Khi đã mắc phân trắng, đường ruột tôm sẽ chứa đầy phân từ trắng đến vàng và bị phồng lên. Dưới kính hiển vi quan sát được nhiều “vật thể lạ” có hình dạng bên ngoài giống như ký sinh trùng gregarine.

Đến 96% tôm nhiễm phân trắng được phát hiện trong gan tụy chứa rất nhiều “vật thể lạ” này. Ở các ao nhiễm bệnh, tỷ lệ sống giảm 20-30% so với các ao bình thường.

Trước khi có nghiên cứu này thì “vật thể lạ” được mô tả là giống với gregarine về cấu tạo và hình dạng. Tuy nhiên, chưa có tài liệu nào kết luận gregarine giống với kết quả mô tả của “vật thể lạ” này ở hiện tại.

vermiform-duoi-kinh-hien-vi

Vermiform có hình giống nang bào tử hay hình giống ký sinh trùng Gregarine được tìm thấy trong gan tụy và dày đặc trong chất chứa đường ruột, đồng thời giọt dầu ít từ các mẫu gan tụy này, được quan sát qua kính hiển vi chụp bởi Lab Vinhthinh Biostadt.
(Nguồn: Vinhthinh Biostadt)

Sau nhiều nghiên cứu và kiểm tra, các nhà khoa học đã đặt tên cho “vật thể lạ” này là Vermiform. Đây là thuật ngữ khoa học tiếng Anh được cấu thành từ từ gốc tiếng Latin gồm vermes có nghĩa là giun và formes là được tạo thành dạng.

Như vậy, Vermiform là “vật thể” chứ không phải là một sinh vật sống. Mặc dù có hình dạng giống như giun nhưng nó không phải là sinh vật, cũng không phải là ký sinh trùng, Vermiform đơn thuần là một vật thể.

Cụ thể Vermiform không thể vận động và thiếu các bào quan để cấu thành cơ thể. Chúng chứa nhiều lớp mỏng bong tróc từ gan tụy, giống các lớp giấy bóng kính, xuất phát từ vi nhung mao của tế bào biểu mô ống. Chứ không hề giống với với cấu tạo của một ký sinh trùng.

Nguyên nhân dẫn đến hình thành Vermiform hiện chưa rõ, nhưng sự hình thành Vermiform do mất vi nhung mao và sự ly giải tế bào sau đó, cho thấy đây là một quá trình bệnh lý (Sriurairatana & cs., 2014).

Quá trình bong tróc, chuyển dạng và cuộn lại của các vi nhung mao (microvilli) của tế bào mô ống gan tụy (Aggregated Transformed Microvilli – ATMsẽ tạo thành Vermiform. Quá trình ATM này có tác động xấu đến sức tăng trưởng và tỉ lệ sống của tôm.

cac-buoc-tong-hop-atm-trong-mo-gan-tuy-hinh-thanh-nen-vermiform

Các bước tổng hợp ATM trong mô gan tụy (HP) nhuộm màu H & E các phần so với ký sinh trùng Gregarine thực sự.
(a) Nhỏ, rải rác cấu trúc màng trong lòng ống HP; (b) Màng bắt đầu mở rộng hơn tập hợp trong lòng ống; (c) Tập hợp chặt chẽ hơn các màng liên kết bởi một màng ngoài liên tục và lấy hình dạng của ATM; (d) ATM cô đặc cao trong ống lòng; (e) Tích lũy nhiều ATM tại ngã ba của HP (gan tụy) và ruột trước; (f) Các Gregarines thực sự tụ lại gần ruột giữa, có nhân nổi bật
(Nguồn: Vinhthinh Biostadt)

Sự xuất hiện Vermiform ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng của tôm nuôi. Đồng thời, làm giảm tỷ lệ sống, tôm phát triển chậm, dễ nhiễm các mầm bệnh cơ hội như vi khuẩn, virus…

Trường hợp nghiêm trọng, Vermiform với số lượng nhiều có thể dẫn đến hình thành các chuỗi phân trắng, kết hợp với các tác nhân cơ hội gây ra bệnh phân trắng trên tôm (Hội chứng phân trắng – White Feces Syndrome – WFS).

Xem thêm Vermiform là gì? Ảnh hưởng của Vermiform lên tôm.

2.5. Bệnh phân trắng do vi bào tử trùng Enterocytozoon Hepatopenaei (EHP)

Enterocytozoon Hepatopenaei (EHP) là một loại ký sinh trùng thuộc một ngành của giới nấm (ngành Microsporidian). EHP lần đầu được phát hiện vào năm 2009 tại Thái Lan và được đặt tên theo đối tượng gây bệnh là tôm sú (Penaeus monodon) (Tourtip et al. 2009. J. Invertebr. Pathol. 102: 21-29 | Tạp chí Bệnh học Động vật không xương sống).

tom-bi-nhiem-EHP

Tôm bị nhiễm EHP (Nguồn: UV-vietnam)

Enterocytozoon Hepatopenaei (EHP) gây bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh theo cả phương truyền dọc và truyền ngang. Tôm mẹ truyền qua cho tôm con trong quá trình sinh sản, EHP tồn tại trong trứng của tôm mẹ và nở ra tôm con bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó tôm còn bị bệnh do môi trường có mầm bệnh hoặc do ăn thức ăn tươi sống có mầm bệnh.

EHP trong môi trường nuôi bám vào vỏ tôm trong quá trình lột xác để xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Tôm ăn thức ăn tươi sống hoặc sinh vật trong ao nuôi bị nhiễm EHP như: các loài giun đất, giun nhiều tơ (dời), động vật hai mảnh vỏ(ngao, sò, hàu…) và Artemia…

so-sanh-mau-gan-tom-khoe-va-gan-tom-bi-nhiem-ehp

Mẫu gan tôm khoẻ (A) và tôm nhiễm EHP (B) (Nguồn: UV-vietnam)

Các dấu hiệu lâm sàng chính của tôm bị nhiễm EHP là chậm lớn. Trong giai đoạn nặng hơn, tôm nhiễm EHP thường bị vỏ mềm, lờ đờ, giảm ăn và đường ruột trống rỗng.

Tôm bị bệnh EHP không có bệnh tích điển hình. Tôm nhiễm EHP thường có kích cỡ không đồng đều sau khoảng 25 ngày thả nuôi. Tăng trưởng của tôm chỉ đạt từ 10 – 40% so với tôm ở các ao không nhiễm bệnh.

su-thay-doi-mo-hoc-cua-gan-tom-bi-nhiem-ehp

Sự thay đổi mô học của tôm chân trắng nhiễm EHP:
A. Cấu trúc bình thường của gan tuỵ; B. Sự xuất hiện của bào tử và sự bong tróc của gan tuỵ; C. Sự tách rời của ống gan tuỵ; D. Sự tổn thương nghiêm trọng của tế bào
(Nguồn: UV-vietnam)

Ngoài ra, EHP thường được phát hiện nhiều trên các ao tôm nuôi đã nhiễm hội chứng phân trắng (WFS) với tỷ lệ nhiễm lên đến 96% và hội chứng chậm lớn (MSGS) với tỉ lệ nhiễm khoảng 55,5%.

Dựa trên những khác biệt liên quan đến bệnh phân trắng trên tôm, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu có tính hệ thống để xác định mối quan hệ giữa bệnh phân trắng và các bệnh do vi bào tử trùng EHP gây ra, ở hai khu vực khác nhau trên thế giới là Đông Nam Á và Mỹ La Tinh – nơi đã được báo cáo là xuất hiện EHP.

Các nghiên cứu được thực hiện tại một quốc gia Châu Á có lịch sử bị bệnh phân trắng (WFS) và bệnh chậm lớn do nhiễm EHP. Các mẫu được thu thập từ các ao nuôi, bị nhiễm WFS và không nhiễm WFS. Các mẫu gan và phân tôm đã được thu thập và phân tích mô học và cho chạy PCR định lượng (qPCR).

moi-lien-he-giua-ehp-va-benh-phan-trang-wfs

Các mẫu tôm có biểu hiện WFS (phía trên bên trái); quan sát thấy sự đổi màu trắng của đường tiêu hóa đã loại bỏ (phải); Các khối gan tụy ướt hiển thị WFS cho thấy sự biến dạng và hắc tố nghiêm trọng của các ống gan tụy bị ảnh hưởng và sự vắng mặt của các tế bào R (phía dưới bên trái) (Nguồn: globalseafood)

Mô gan tụy của tôm từ mỗi ao nuôi được phân tích riêng bằng PCR định lượng (qPCR). Kết quả đã cho thấy tôm có chứa EHP ở nhóm có dấu hiệu phân trắng cao hơn so với ao không nhiễm WFS. Điều này chỉ ra rằng tôm bệnh phân trắng có thể có khả năng lây nhiễm EHP cao hơn tôm không bị phân trắng.

Từ các nghiên cứu trên cho thấy, có mối liên hệ rất chặt chẽ giữa WFS và EHP. Ngoài ra, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên quan giữa WFS, EHP và SHPN (hoại tử gan tụy) trong các ao nuôi thương phẩm, điều này cho thấy rằng WFS là một phản ứng sinh lý có thể xảy ra ở tôm bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp của các vi khuẩn gây bệnh đường ruột và vi bào tử trùng EHP.

su-ket-hop-giua-vibrio-va-cac-yeu-to-moi-truong-khac-co-kha-nang-gay-benh-phan-trang-tren-tom

Sự kết hợp giữa nguyên nhân chính gây bệnh phân trắng (chủng vi khuẩn Vibrio spp. cơ hội) và (các) yếu tố môi trường (có thể chưa biết) có thể gây ra WFS ở các vùng lưu hành EHP (Nguồn: globalseafood)

Tóm lại, vi bào tử trùng Enterocytozoon Hepatopenaei (EHP) có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh phân trắng trên tôm (Hội chứng phân trắng – White Feces Syndrome – WFS), nhưng chính những hậu quả gây ra bởi EHP (vỏ mềm, lờ đờ, giảm ăn, đường ruột yếu và trống rỗng) đã tạo điều kiện cho các chủng vi khuẩn Vibrio spp. cơ hội tấn công và là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh phân trắng trên tôm.

Xem thêm Bệnh phân trắng trên tôm: dấu hiệu báo trước EHP?

2.6. Bệnh phân trắng do vi khuẩn Vibrio spp.

Trong số các nguyên nhân gây bệnh phân trắng, vi khuẩn Vibrio spp. (hay “Vibriosis” ) là tác nhân thường gặp với tỉ lệ nhiễm trên 40% trên tôm nhiễm bệnh phân trắng với một số loài phổ biến được phân lập như V. parahaemolyticus, V. alginolyticus, V. mimicus, V. uvialis, V. vulnicus và V. cholerae (Truong et al., 2021; Kumara and Hettiarachchi, 2017; Cao et al., 2015; Limsuwan, 2010).

moi-truong-tcbs-dung-de-phan-lap-chung-vi-khuan-vibrio-spp

Môi trường TCBS dùng để phân lập chủng vi khuẩn Vibrio spp. (Nguồn: Melab)

Các giả thuyết về vai trò khởi phát và khả năng gây bệnh phân trắng của vi khuẩn Vibrio spp. spp. cũng đã được công bố trong một vài nghiên cứu (Poh Yong ong, 2016; Cao et al., 2015, Kumara and Hettiarachchi, 2017).

Đây loài vi khuẩn rất thông minh, vì chúng kháng kháng sinh đến 73%, hơn nữa tự tiết ra các màng sinh học giúp bám thành ruột tôm, hợp chất màng có tên là exopolysacharides tiết ra để vi khuẩn tự bảo vệ mình.

Khi đã tự bảo vệ mình trong vòng an toàn, Vi khuẩn Vibrio spp. sẽ nhân lên không ngừng, tiết ra các độc tố gây gây sưng mềm nhũn hoặc teo làm tôm chết hàng loạt. Chúng còn có thể bám cả giáp xác, thủy sinh…ảnh hưởng cả vụ nuôi sau.

Nhưng chúng lại có yếu điểm đó là không hình thành được bào tử, di chuyển bằng tiêu mao. Hai yếu tố này nếu chúng ta hiểu chút nguyên lý vi sinh hạn chế được rất nhiều.

Một nghiên cứu của Khoa Thủy sản tại Trường Đại Học Cần Thơ đã xác định được khả năng gây bệnh phân trắng của vi khuẩn Vibrio spp. phân lập trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Thí nghiệm xác định khả năng tổ hợp được thực hiện trên 5 tổ hợp vi khuẩn khác nhau bao gồm:

  • ACV = V. alginolyticus, V. cholerae và V. vulnicus
  • ACP = V. alginolyticus, V. cholerae và V. parahemolyticus
  • AVP = V. alginolyticus, V. vulnicus và V. parahemolyticus
  • CVP = V. cholerae, V. vulnicus và V. parahemolyticus
  • ACVP = V. alginolyticus, V. cholerae, V. vulnicus và V. parahemolyticus

Theo dõi thí nghiệm: Các nghiệm thức được xiphong đáy, thay nước và theo dõi các chỉ tiêu chất lượng nước mỗi ngày. Dấu hiệu bệnh lý, biểu hiện của tôm được quan sát liên tục trong 14 ngày. Tất cả tôm vừa mới chết hoặc có biểu hiện lờ đờ, bơi lội kém linh hoạt được thu lấy để ghi nhận thời gian vi khuẩn gây bệnh, dấu hiệu biểu hiện bệnh, tỉ lệ tôm chết.

Kết quả theo dõi trên các thí nghiệm cảm nhiễm với các tổ hợp vi khuẩn cho thấy, tôm đạt tỉ lệ sống 100% ở nghiệm thức đối chứng âm trong thời gian thí nghiệm và chết ở tất cả các nghiệm thức có cảm nhiễm vi khuẩn với khoảng thời gian bắt đầu chết, tỉ lệ chết khác nhau theo từng tổ hợp.

Từ kết quả tỉ lệ chết ở các thí nghí nghiệm, mức độ ảnh hưởng của các tổ hợp vi khuẩn Vibrio spp. đến tôm ở từng nồng độ cảm nhiễm cho thấy theo thự tự là ACVP < ACP < ACV < AVP < CVP.

ket-qua-xac-dinh-kha-nang-gay-benh-cua-cac-to-hop-vibrio-spp

Bảng kết quả xác định khả năng gây bệnh của các tổ hợp Vibrio spp. trên tôm thẻ chân trắng
(Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam – Số 08(129/2021)

Trong đó, ta có thể thấy được ở thí nghiệm với tổ hợp 3 loài vi khuẩn, thí nghiệm với tổ hợp AC (V. aginolyticus và V. cholerae) kết hợp với một đơn chủng khác là V. vulnicus hoặc V. parahaemolyticus sẽ cho tỉ lệ chết thấp hơn so với cảm nhiễm tôm với tổ hợp VP (V. vuinicus và V. parahaemolyticus) kết hợp với V. alginolyticus hoặc V. cholerae.

vi-khuan-vibrio-spp-gay-benh-tren-tom

Hình thái khuẩn lạc các chủng Vibrio spp. trên môi trường chọn lọc
A: Khuẩn lạc V. cholerae trên môi trường TCBS; B: Khuẩn lạc V. parahaemolyticus trên môi trường TCBS; C: Khuẩn lạc V. vulnificus trên môi trường TCBS; D: Khuẩn lạc V. parahaemolyticus trên môi trường TSAT.
(Nguồn: thuysananhtuan)

Tôm thí nghiệm cảm nhiễm đơn loài không biểu hiện dấu hiệu bệnh lý đặc trưng của bệnh phân trắng, tuy nhiên cảm nhiễm V. alginolyticus và V. cholerae biểu hiện dấu hiệu phân lỏng, gan tụy sưng, V. vulnicus và V. parahaemolyticus ảnh hưởng chủ yếu lên gan tụy gây nhạt màu sưng to, mềm nhũn có dịch hoặc teo lại.

Tôm cảm nhiễm tổ hợp V. alginolyticus, V. cholerae, V. parahaemolyticus và tổ hợp V. alginolyticus, V. cholerae, V. vulnicus biểu hiện dấu hiệu bệnh lý tương tự tôm bệnh phân trắng trong ao nuôi ngoài tự nhiên.

Xem thêm Vi khuẩn Vibrio spp. là gì? Tổng quan về Vibrio spp. trong thủy sản

3. Kết luận

Tóm lại, các chủng vi khuẩn Vibrio spp. (hay “Vibriosis” ) là tác nhân chính gây ra bệnh phân trắng trên tôm (Hội chứng phân trắng – White Feces Syndrome – WFS). Chúng xâm nhập, gây rối loạn hệ vinh đường ruột và tấn công vào các cơ quan của tôm, từ đó gây bệnh cho tôm.

Tuy nhiên, bản thân tôm cũng có khả năng kháng lại các Vibrio spp. này, bởi hệ miễn dịch của tôm cũng có chức năng tìm kiếm và tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh này. Trừ khi mật độ Vibrio spp. trong nước quá lớn, tôm không đủ khả năng chống chọi với chúng, làm cho chúng xâm nhập và tấn công vào tôm.

Bên cạnh đó, các tác nhân như tảo độc, nấm mốc, Gregarines, Vermiform và EHP, mặc dù không trực tiếp gây ra bệnh phân trắng cho tôm, nhưng chúng có tác động rất lớn đến quá trình gây bệnh phân trắng trên tôm.

Cụ thể là các tác nhân như tảo độc, nấm mốc sẽ tiết các độc tố để hủy hoại và làm suy yếu các cơ quan nội tạng và toàn bộ cơ thể của tôm, tạo điều kiện cho các chủng Vibrio spp. cơ hội tấn công vào và gây ra bệnh phân trắng.

Còn các tác nhân như Gregarines, Vermiform và EHP sẽ kí sinh hoặc tồn tại trong các hệ cơ quan của tôm, hút cạn dinh dưỡng của tôm, làm cho tôm suy yếu, từ đó cũng tạo điều kiện cho các chủng Vibrio spp. cơ hội tấn công vào và gây ra bệnh phân trắng.

tong-hop-cac-nguyen-nhan-gay-benh-phan-trang-tren-tom

Khi có thể nhận dạng được chính xác các nguyên nhân gây bệnh phân trắng, bà con có thể lựa chọn các phác đồ điều trị phân trắng phù hợp để có các biện pháp phòng ngừa và xử lý triệt để căn bệnh bệnh phân trắng trên tôm (Hội chứng phân trắng – White Feces Syndrome – WFS).

4. Các giải pháp phòng và xử lý bệnh phân trắng trên tôm

4.1. Giải pháp phòng ngừa bệnh phân trắng

Trong số các giải pháp mới nhất về vấn đề bệnh phân trắng trên tôm (Hội chứng phân trắng – White Feces Syndrome – WFS), các chuyên gia đều tập trung vào khâu phòng bệnh là chính.

Sau đây là một số giải pháp từ Dr. Chalor Limsuwan (chuyên gia thủy sản hàng đầu thế giới), người nuôi tôm có thể tham khảo:

  • Xử lý ao thật kỹ trước khi thả giống. Đối với ao bạt thì phải chà bạt và chùi rửa thật kỹ. Đối với ao đất thì phải loại bỏ hoàn toàn, dọn dẹp sạch sẽ các chất cặn bã và bùn thải dưới ao.
  • Nước trước khi cấp vào ao nuôi để nuôi thì cần phải được xử lý hóa chất thật mạnh để loại bỏ các loại ký sinh trùng và vi khuẩn gây bệnh.
  • Trong trường hợp ao nuôi đã có tôm, người nuôi nên xử lý diệt khuẩn bằng các chất diệt khuẩn an toàn với tôm, ví dụ như Glutaraldehyde và Coco-QAC (Cocobenzyl dimethyl ammonium chlorides). Lưu ý rằng lúc này, tôm đang yếu, hạn chế sử dụng các chất diệt khuẩn mạnh sẽ làm ảnh hưởng đến tôm.
  • Kiểm soát cho bằng được lượng thức ăn cho tôm ăn, không cho tôm ăn dư thừa. Người nuôi tôm cần phải ước lượng và tính toán cho chính xác tỷ lệ sống của tôm, cùng với lượng thức ăn cụ thể dựa trên tỷ lệ phần trăm trọng lượng trung bình của tôm, cụ thể:
    • Lượng thức ăn vào thời điểm thả giống chỉ nên giới hạn vào khoảng 2 kg thức ăn cho 100.000 con tôm giống.
    • Tôm sau 30 ngày thả nuôi, lượng thức ăn chỉ nên giới hạn ở mức 200 kg thức ăn cho 100.000 con tôm.
  • Hàm lượng oxy hòa tan ở trong ao nuôi cần được duy trì ở mức cao và ổn định, thấp nhất là trong khoảng từ 3,5 ppm đến 4ppm. Để duy trì hàm lượng oxy hòa tan ở mức nêu trên, cần cung cấp hệ thống quạt nước và hệ thống sủi oxy sao cho phù hợp.
  • Trong quá trình cho ăn, người nuôi nên bổ sung chế phẩm thảo dược tổng hợp HEPHATRA. Đây là chế phẩm thảo dược với thành phần là thảo dược xuyên tâm liên, mộc hoa trắng và nguyên liệu độc quyền Immunevets®.
  • HEPHATRA là chế phẩm thảo dược có tác dụng rất mạnh trong việc ngăn ngừa sự xâm nhập và loại bỏ ký sinh trùng Gregarine ra khỏi ruột tôm, đồng thời có thể ức chế và tiêu diệt vi khuẩn Vibrio spp. cơ hội bên trong cơ thể tôm.

aqua-omnicide

Aqua Omnicide là một trong những sản phẩm diệt khuẩn hàng đầu trên thế giới, với thành phần là Glutaraldehyde và Coco-QAC (Cocobenzyl dimethyl ammonium chlorides) cho khả năng tiêu diệt hoàn toàn virus, vi khuẩn, ký sinh trùng nhưng cực kì an toàn cho tôm (Nguồn: Minirus)

4.2. Phác đồ điều trị bệnh phân trắng trên tôm (Hội chứng phân trắng – White Feces Syndrome – WFS)

Khi tôm bệnh phân trắng, cần có phác đồ điều trị hợp lý. Sau đây, công ty Thiên Tuế xin giới thiệu phác đồ điều trị bệnh phân trắng để quý bà con tham khảo:

Bước 1: Xử lý môi trường nuôi

  • Đầu tiên, cần giảm bớt từ 30% đến 50% lượng thức ăn, cho đến khi hoàn tất xong bước xử lý môi trường.
  • Nâng mức hàm lượng oxy hòa tan trong ao nuôi lên mức cao nhất (mở hết toàn bộ quạt và cho chạy liên tục 24/7).
  • Diệt khuẩn bằng các chất diệt khuẩn an toàn với tôm, ví dụ như Glutaraldehyde và Coco-QAC (Cocobenzyl dimethyl ammonium chlorides). Lưu ý rằng lúc này, tôm đang yếu, hạn chế sử dụng các chất diệt khuẩn mạnh sẽ làm ảnh hưởng đến tôm.
  • Sau khi diệt khuẩn từ 36 đến 48 giờ, dùng các vi sinh chủng Bacillus kết hợp với vi sinh Rhodobacter để tạo hệ vi sinh có lợi và ổn định môi trường nuôi.
bacillus-subtilis

Bacillus Subtilis

rhodobacter-vi-khuan-quang-hop

Rhodobacter

Bacillus Subtilis và Rhodobacter là những dòng vi sinh mạnh mẽ chuyên xử lý môi trường và cung cấp lợi khuẩn cho ao nuôi

Bước 2: Trộn cho ăn

  • Trong vòng 7 ngày đầu tiên: trộn cho ăn chế phẩm thảo dược HEPHATRA với liều dùng 20ml cho 1 kg thức ăn, cho ăn tất cả các cử trong ngày.
  • Sau 7 ngày:
    • Trộn chơ ăn chế phẩm thảo dược HEPHATRA với liều dùng 10ml cho 1kg thức ăn, cho ăn 1 cử trong ngày.
    • Trộn cho ăn men tiêu hóa Immune Bio TT (với thành phần vách tế bào độc quyền có tác dụng chữa lành đường ruột và tăng cường sức đề kháng cho tôm) với liều dùng 5g cho 1kg thức ăn, cho ăn 1 cử trong ngày.
    • Trộn cho ăn dịch chiết Diệp Hạ Châu (với thành phần là Diệp Hạ Châu nguyên chất 100%, có tác dụng phục hồi và tăng cường chức năng gan tụy) với liều lượng 20ml cho 1kg thức ăn, cho ăn 1 cử trong ngày.
hephatra-thao-duoc-tri-phan-trang-tren-tom

Premix Herbs HEPHATRA

immune-bio-tt

Immune Bio TT

dich-chiet-diep-ha-chau-thao-duoc-tri-benh-gan-cho-tom

Dịch chiết Diệp Hạ Châu

Cốt lõi của phác đồ điều trị trên là giải quyết triệt để, bắt nguồn từ nguyên nhân gây bệnh, đó là các tác nhân như tảo độc, nấm mốc, Gregarines, Vermiform, EHP và nguyên nhân chính, là các chủng vi khuẩn Vibrio spp.


Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý độc giả đã đọc bài viết. Mọi thắc mắc về nội dung hoặc các khiếu nại về bản quyền, xin vui lòng gởi thông tin vào địa chỉ email: knowalot.net@gmail.com

Mr. Know xin chân thành cám ơn.

Dark mode