Sơ lược về hiệu ứng Barnum

so-luoc-ve-hieu-ung-barnum

Tóm tắt ý chính

  • Trong cuộc họp, khi ai đó khen ngợi chung chung, bạn có thầm vui mừng trong lòng vì nghĩ rằng người đó đang khen bạn không.
  • Trên thực tế, mọi người đều có phản ứng tương tự trong hầu hết các tình huống khác, bởi vì họ có xu hướng tin rằng một vài khái quát chung chung phù hợp với đặc điểm tính cách của họ.
  • Năm 1948, Bertram Forer đã cho các sinh viên làm bài kiểm tra tính cách và phân tích đặc điểm tính cách của học sinh dựa trên kết quả bài kiểm tra.
  • Cuối cùng, các sinh viên được yêu cầu đánh giá xem kết quả bài kiểm tra có phù hợp với đặc điểm tính cách của bản thân hay không.
  • Kết quả cho thấy, hơn 90% sinh viên tin rằng kết quả bài kiểm tra tính cách vô cùng phù hợp với đặc điểm tính cách của bản thân.

Trong cuộc họp, khi ai đó khen ngợi chung chung, bạn có thầm vui mừng trong lòng vì nghĩ rằng người đó đang khen bạn không? Ngược lại, bạn có bực bội chán nản khi ai đó phê bình chung chung, vì nghĩ rằng người đó đang nhằm vào bạn?

Thực ra, đôi khi bạn đã suy nghĩ quá nhiều. Đây chính là biểu hiện của hiệu ứng Barnum.

Bạn có tin vào các chòm sao không? Bạn có thường liên tưởng mình với nhân vật được miêu tả trong các cung hoàng đạo và tin tưởng không chút nghi ngờ nào không?

Ví dụ, có một cuốn sách về cung hoàng đạo có miêu tả tính cách của cung Nhân Mã như thế này:

“Đàn ông Nhân Mã luôn hài hước, vui vẻ, lạc quan, hiểu đời, tràn đầy năng lượng mỗi ngày và dường như không có điều gì khiến anh ấy bất mãn. Người đàn ông Nhân Mã yêu tự do, nếu mất tự do thì anh ấy thà chết còn hơn. Anh ấy không bị ám ảnh bởi kết quả cuối cùng và thích tận hưởng niềm vui trong quá trình sống”.

Về vấn đề này, nhiều chàng trai Nhân Mã trẻ tuổi sẽ tự ướm bản thân mình vào trong đó và cho rằng đoạn văn này đang nói về chính họ.

Nếu phân tích kỹ , bạn sẽ thấy đoạn văn này thực sự đang miêu tả đặc điểm tính cách của hầu hết những chàng trai trẻ tuổi. Hãy nghĩ mà xem, có mấy ai trong số họ không yêu tự do? Không tràn đầy sức sống? Ai lại nghĩ bản thân không hiểu sự đời? Họ chỉ chấp nhận những miêu tả mơ hồ chung chung và tự động bỏ qua những miêu tả không phù hợp với bản thân.

Trên thực tế, mọi người đều có phản ứng tương tự trong hầu hết các tình huống khác, bởi vì họ có xu hướng tin rằng một vài khái quát chung chung phù hợp với đặc điểm tính cách của họ. Bài kiểm tra tính cách Forer nổi tiếng trong tâm lý học đã khẳng định sự tồn tại của hiện tượng tâm lý này.

Năm 1948, Bertram Forer đã cho các sinh viên làm bài kiểm tra tính cách và phân tích đặc điểm tính cách của học sinh dựa trên kết quả bài kiểm tra. Cuối cùng, các sinh viên được yêu cầu đánh giá xem kết quả bài kiểm tra có phù hợp với đặc điểm tính cách của bản thân hay không.

Kết quả cho thấy, hơn 90% sinh viên tin rằng kết quả bài kiểm tra tính cách vô cùng phù hợp với đặc điểm tính cách của bản thân.

hieu-ung-barnum-vach-tran-manh-khoe-dang-sau-cac-bai-trac-nghiem-tam-ly

Thực ra, bài kiểm tra tính cách của Forer chỉ là một trò tung hỏa mù. Cuối cùng, kết quả kiểm tra mà ông đã đưa cho mọi người đều giống hệt nhau, đó là một đoạn văn trích từ sách về chòm sao, tính cách… Chúng ta hãy đọc thử đoạn văn này:

“Bạn cầu mong được người khác yêu thích, nhưng lại luôn xoi mói chính mình. Mặc dù có một số khiếm khuyết trong tính cách, nhưng nhìn chung bạn có thể bù đắp lại. Bạn có tiềm năng đáng kể chưa được khai thác, nhưng vẫn chưa phát huy được hết điểm mạnh của bản thân. Sự cứng rắn, nghiêm khắc kỷ luật bên ngoài đã che giấu sự bất an và lo lắng bên trong. Nhiều lần, bạn nghiêm túc đặt ra câu hỏi với bản thân rằng liệu mình đã làm đúng hay đã ra quyết định đúng chưa. Bạn thích sự thay đổi nhất định và cảm thấy không thoải mái khi bị hạn chế gò bó. Bạn tự hào vì mình là một người có suy nghĩ độc lập và không chấp nhận những lời nói chưa có bằng chứng đầy đủ. Tuy nhiên, bạn cho rằng thật không khôn ngoan nếu thẳng thắn quá mức với người khác. Có những lúc bạn hướng ngoại, niềm nở và hòa đồng, nhưng có những lúc bạn lại hướng nội, cẩn trọng và im lặng. Một số tham vọng của bạn là không thực tế.”

Đây là một chiếc mũ vừa vặn với đầu của tất cả mọi người, nhưng có quá nhiều người thích đội chiếc mũ này một mình. Trong tâm lý học, khuynh hướng tâm lý mà “mọi người sẽ dễ dàng tin rằng sự miêu tả tính cách chung chung mơ hồ là cực kỳ phù hợp với họ” được gọi là “hiệu ứng Barnum”.

Trong cuộc sống, chúng ta ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Barnum, nhất là hiện nay khi chiêm tinh học, tính cách theo nhóm máu… lại đang rất thịnh hành. Việc này khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng, những bài viết miêu tả đó phù hợp với tính cách thật sự của chính mình và từ đó không thể nhận thức đúng đắn về bản thân.

Có thể nói, hiệu ứng Barnum là rào chắn cản trở nghiêm trọng quá trình nhận thức đúng đắn về bản thân. Vì vậy, khi đối mặt với những quan điểm và miêu tả mơ hồ không rõ ràng liên quan tới bản thân, chúng ta cần phải giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo và cẩn thận đưa ra nhận định của bản thân.

Ngoài ra, một cách quan trọng để tránh rơi vào cái bẫy của hiệu ứng Barnum chính là hiểu đúng về bản thân. Nếu một người hiểu rõ bản thân như lòng bàn tay thì sẽ không dễ dàng gắn mác cho mình bằng những thuật ngữ chung chung; đồng thời có thể phân biệt một cách hiệu quả trong những miêu tả tính cách đó câu nào liên quan đến bản thân, câu nào không liên quan đến bản thân, câu nào lời lẽ ba phải, câu nào rõ như ban ngày. Như vậy, chúng ta sẽ không bị hiệu ứng Barnum chi phối.

Lược trích từ cuốn sách “Định luật Murphy”: Cuốn sách tâm lý mình rất thích gần đây. Chúng ta có thể thấy, ở trang bìa cuốn sách là một miếng pho-mát, nhìn có vẻ là bình thường nhưng để ý kỹ sẽ thấy mặt úp bơ của miếng pho-mát ấy bị úp xuống và câu hỏi đặt ra ở đây: “Tại sao không phải là mặt còn lại?”.

Điều khó lý giải này cộng thêm với nền màu đen, tông màu đen-cam-vàng chủ đạo khiến cho cuốn sách trở nên bí ẩn hơn. Và muốn biết bí ẩn như thế nào ta phải đi sâu vào nội dung của nó. Cuốn sách được chia ra làm 9 chương với 8 hiệu ứng và quy luật khác nhau. Đi qua từng chương tác giả sẽ cho chúng ta biết từng khía cạnh của mỗi hiệu ứng ấy.

Chương 1 là chương khái quát chung sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về định luật Murphy là định luật như thế nào bằng cách dẫn chúng ta tới các trường hợp xảy ra trong thực tế hằng ngày, bạn không thể nào ngờ được và quả thực là “Chuyện gì cũng có lý do của nó”. Tiếp đến các chương tiếp theo như tôi đã nói ở trên là những hiệu ứng và quy luật trong định luật Murphy.

Hết điều thú vị này đến điều thú vị khác, tin tôi đi các bạn sẽ bị cuốn theo dòng chảy của cuốn sách này mất thôi. Vậy nên hãy thử đọc cuốn sách này đi, bạn sẽ thấy thích thú với nó đấy. À, sau khi đọc “Định luật Murphy” xong tôi nghĩ chúng ta sẽ có thể tránh được những điều muốn tránh đấy!

Cre: Nguyễn Minh Châu


Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý độc giả đã đọc bài viết. Mọi thắc mắc về nội dung hoặc các khiếu nại về bản quyền, xin vui lòng gởi thông tin vào địa chỉ email: knowalot.net@gmail.com

Mr. Know xin chân thành cám ơn.