Tóm tắt ý chính
- Mục tiêu của seri này là giúp trang bị cho người đọc, từ những người hoàn toàn chưa biết gì về thị trường chứng khoán (TTCK), cho đến khi kết thúc seri này, người đọc sẽ có một nền tảng đủ vững chắc để có thể đủ tự tin bắt đầu những hoạt động đầu tư đầu tiên của mình.
- Ở phần này, chúng ta sẽ phân tích các lý do mà vì sao chúng ta phải đầu tư và vì sao lại là đầu tư vào TTCK chứ không phải là kênh khác.
- Giai đoạn đầu tiên là xây dựng nền móng tài chính cho cá nhân bằng các hoạt động quản lý chi tiêu của mình, nhờ việc quản lý chi tiêu hiệu quả, chúng ta sẽ biết được chúng ta tiêu xài bao nhiêu và cần phải trả nợ bao nhiêu (cơ bản thì ai cũng có những món nợ cần phải trả đúng không nè).
- Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong phần nền móng tài chính thì chúng ta cũng chỉ mới có được cái nền, nếu muốn có ngôi nhà đầu tư, chúng ta phải có những phương pháp để xây dựng các tầng sao cho nó thật nhanh và thật an toàn.
- Sau đây mình sẽ phân tích tất cả các kênh đầu tư phổ biến nhất hiện nay, đồng thời chứng minh rằng kênh đầu tư TTCK sẽ là một kênh đầu tư an toàn và phù hợp nhất cho đại đa số mọi người.
Xin chào quý anh chị và các bạn, đây là seri bài viết về đầu tư chứng khoán (ĐTCK) dành cho người chưa biết gì. Mục tiêu của seri này là giúp trang bị cho người đọc, từ những người hoàn toàn chưa biết gì về thị trường chứng khoán (TTCK), cho đến khi kết thúc seri này, người đọc sẽ có một nền tảng đủ vững chắc để có thể đủ tự tin bắt đầu những hoạt động đầu tư đầu tiên của mình.
Seri này sẽ được chia ra 5 phần chính là
- WHY: vì sao chúng ta phải đầu tư?
- WHAT (FOUNDATIONS): cách hoạt động và các khái niệm.
- HOW: các chiến lược đầu tư.
- PASSIVE INVESTING: chiến lược đầu tư thụ động.
- ACTION: cùng triển khai các hoạt động đầu tư đầu tiên.
Chúng ta cùng đến với phần đầu tiên, phần 1: WHY – Vì sao phải đầu tư?
Ở phần này, chúng ta sẽ phân tích các lý do mà vì sao chúng ta phải đầu tư và vì sao lại là đầu tư vào TTCK chứ không phải là kênh khác.
1. Vì sao phải đầu tư?
Thông thường, hành trình tài chính cơ bản của một đời người sẽ đi qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là xây dựng nền móng tài chính cho cá nhân bằng các hoạt động quản lý chi tiêu của mình, nhờ việc quản lý chi tiêu hiệu quả, chúng ta sẽ biết được chúng ta tiêu xài bao nhiêu và cần phải trả nợ bao nhiêu (cơ bản thì ai cũng có những món nợ cần phải trả đúng không nè).
Sau khi trả hết nợ thì sẽ đến với hành trình tích lũy tài sản. Khi đã tích lũy một khối tài sản vừa đủ, chúng ta sẽ bước qua giai đoạn 2, đó là giai đoạn đầu tư. Việc đầu tư sẽ thuận lợi và phát triển rất tốt nếu chúng ta có thể xây dựng nền móng tài chính vững chắc.
Giống như một tòa tháp cao tầng, phần nền móng cực kì quan trọng. Thời gian xây dựng nền móng chiếm tương đương (có khi mất nhiều thời gian hơn) với phần thân của ngôi nhà. Chỉ khi nào có một nền móng tài chính vững chãi thì tòa nhà đầu tư mới có thể đứng vững lâu dài được.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong phần nền móng tài chính thì chúng ta cũng chỉ mới có được cái nền, nếu muốn có ngôi nhà đầu tư, chúng ta phải có những phương pháp để xây dựng các tầng sao cho nó thật nhanh và thật an toàn.
Các phương pháp ở đây là các phương pháp đầu tư và các tầng ở đây là các kênh đầu tư. Nhưng cơ bản thì không phải phương pháp đầu tư và kênh đầu tư nào cũng phù hợp với tất cả chúng ta. Mỗi cá nhân chúng ta đều có những khả năng tài chính khác nhau, phương pháp quản lý tài chính khác nhau và khả năng chấp nhận rủi ro khác nhau.
Sau đây mình sẽ phân tích tất cả các kênh đầu tư phổ biến nhất hiện nay, đồng thời chứng minh rằng kênh đầu tư TTCK sẽ là một kênh đầu tư an toàn và phù hợp nhất cho đại đa số mọi người.
Hình 1: mô tả các kênh đầu tư hiện tại
2. Các kênh đầu tư phổ biến nhất hiện nay
2.1. Gởi tiết kiệm
Đây là kênh đầu tư cơ bản nhất, đơn giản nhất và an toàn nhất. Đây là phương pháp có mức độ rủi ro thấp nhất, thậm chí là gần như không có rủi ro nếu như các bạn chọn các ngân hàng thuộc nhóm BIG4. Và cũng chính vì rủi ro thấp nên tỉ suất lợi nhuận của kênh đầu tư này sẽ không nhiều, đa phần sẽ nằm trong khoảng từ 4% đến 6% / năm.
Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết rất rõ là tiền mặt sẽ bị ảnh hưởng rất nặng bởi lạm phát. Lạm phát chính là yếu tố bòn rút giá trị tiền mặt của chúng ta, nó không thể hiện ngay lập tức nhưng về lâu dài, nó sẽ kéo giá trị đồng tiền của chúng ta đi xuống.
Ví dụ bạn giữ 15.000.000đ tiền mặt trong vòng 30 năm, với tỉ lệ lạm phát trung bình khoảng 4% / năm thì sau 30 năm, con số đó sẽ thành 48.650.963đ, tức là đồng tiền của bạn đã bị trượt giá gấp 3 lần.
Nếu như năm 2020, với 15 triệu đồng là bạn có thể mua được 10kg gạo thì sau 30 năm, cũng với 10kg gạo, chất lượng gạo không hề thay đổi nhưng bạn phải mất tới hơn 48 triệu đồng mới có thể mua được cùng số gạo đó.
Hình 2: tỉ lệ lạm phát trung bình và sự ảnh hưởng của nó đến đồng tiền
Người ta thường lấy con số lãi suất ngân hàng để đánh giá các hoạt động đầu tư của mình, theo kiểu “còn thua cả lãi suất ngân hàng”. Chẳng hạn như khi các bạn đầu tư mở một quán cafe, các bạn vất cả cả năm trời nhưng lợi nhuận cũng chỉ khoảng 10%, các bạn tự an ủi chính mình rằng “mới làm ăn thì hơi khó khăn, nhưng bắt đầu người ta biết đến mình rồi thì lợi nhuận năm sau sẽ khác”.
Và giả sử qua năm thứ hai, mức lợi nhuận cũng chỉ quanh quẩn 10%, đến đây thì chúng ta có thể đánh giá đây là hoạt động đầu tư không hiệu quả lắm, vì chỉ cần gởi ngân hàng, chẳng cần làm gì hết mà đã có 6% / năm rồi (ở đây chỉ là ví dụ về khía cạnh so sánh lợi nhuận ở các kênh đầu tư khác so với kênh đầu tư cơ bản nhất là gởi tiết kiệm, không xét đến các yếu tố tăng trưởng, tình hình kinh doanh, chiến lược gồng lỗ, niềm đam mê khởi nghiệp …v…v…).
Tìm hiểu thêm về lạm phát và sự ảnh hưởng khủng khiếp của nó đến giá trị tài sản.
Ngoài việc nhìn vào lãi suất tiền gởi, chúng ta cũng nên nhìn vào lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay của ngân hàng dành doanh nghiệp. Ví dụ ở thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay doanh nghiệp đang ở mức khoản 7%.
Tại sao chúng ta lại cần phải chú ý con số này?
Đó là có một số dự án kêu gọi đầu tư mà lợi nhuận (tỉ suất sinh lời) lên đến vài chục phần trăm một năm, thì trong các trường hợp này, chúng ta phải đặt ngay câu hỏi “nếu tỉ suất sinh lời cao hơn hẳn so với lãi suất cho vay như vậy thì tại sao chủ doanh nghiệp đó lại không đi vay ngân hàng để đầu tư mà phải kêu gọi vốn rồi làm ăn chung chạ chi cho cực vậy?”
Bạn có thể hiểu là, nếu tự làm thì chỉ cần trả hết nợ ngân hàng là xong, còn nếu làm chung thì phải chia sẻ lợi nhuận cho đến khi không còn làm nữa thì mới thôi. Nếu không trả lời được câu hỏi này thì các bạn nên tránh xa các dự án đầu tư như thế này thì khả năng rất cao đây là hoạt động lừa đảo.
2.2. Đầu tư vào bất động sản
Việt Nam mình là một đất nước đang phát triển nên nhìn vào góc độ vĩ mô thì thị trường địa ốc sẽ còn tăng trưởng rất nhiều. Tuy nhiên để đầu tư vào thị trường bất động sản, bạn phải đảm bảo đủ 2 yếu tố, đó là đủ tiền và đủ thông tin.
Yếu tố đủ tiền thì dễ thấy rồi, vì giá trị của một bất động sản không hề nhỏ nên nếu mua một lần thì sẽ cần một số vốn khá lớn. Ngoài ra, lãi suất cho vay để mua bất động sản khá là cao, nếu tính các yếu tố về lãi suất vay vốn để đầu tư thì câu chuyện đầu tư bất động sản sẽ trở nên rất phức tạp, đòi hỏi nhà đầu tư phải có sự tính toán rất kĩ lưỡng về tình hình tài chính cá nhân, về thị trường, khả năng ra hàng ….
Yếu tố phức tạp hơn chính là yếu tố thông tin. Thị trường địa ốc ở Việt Nam mặc dù đang phát triển rất tốt nhưng lại gặp một hạn chế, đó là thiếu thông tin trầm trọng. Nếu như ở Mỹ, bạn muốn tìm kiếm thông tin về bất động sản nào đó thì có thể lên Zillow.com hoặc Trulia.com, ở Úc thì có Domain.com.au hoặc Realestate.com.au.
Ở Việt Nam cũng có những website tương tự như vậy, nhưng hầu hết các data ở trên các website đó đều thiếu tính chính xác, vì thế rất khó để nhà đầu tư có đủ thông tin để ra quyết định. Điều này không hẳn là do lỗi của các website đó mà đây là đặc thù ở Việt Nam mình.
Các nhà môi giới địa ốc ở Việt Nam thường có xu hướng là sẽ đăng những bất động sản rất hấp dẫn, nhưng khi khách hàng liên hệ để hỏi về bất động sản đó thì họ sẽ chào mời những bất động sản khác. Về cơ bản thì họ dùng các kênh đó để quảng cáo chứ không hẳn là dùng các website đó như là một kênh thông tin chính xác.
Ngoài ra, các chính sách, luật pháp về bất động sản ở Việt Nam còn khá phức tạp, cách quản lý và cấp phép cho các bất động sản ở Việt Nam vẫn còn khá lỏng lẻo. Đã có rất nhiều trường hợp nhà đầu tư gặp rắc rối khi mua bán bất động sản vì thiếu thông tin về bất động sản đó (như thông tin quy hoạch, thông tin về chủ đầu tư dự án, thông tin về tranh chấp, …).
Từ thực tế như vậy, dẫn đến việc những nhà đầu tư nhỏ lẻ như chúng ta sẽ thiếu thông tin để đưa ra các quyết định đầu tư chính xác.
Còn một yếu tố khác, yếu tố này mang tính cá nhân nhiều hơn. Về cá nhân mình thì mình cho rằng việc đầu tư bất động sản là không thật sự tốt lắm. Bất động sản chỉ nên là đòn bẩy chứ không nên là một kênh đầu tư thật sự. Cơ bản của đầu tư bất động sản là bạn mua nó và chờ nó lên giá rồi bán, và việc đó sẽ tạo rất nhiều hệ quả không tốt cho kinh tế và xã hội.
Hình 3: Một bài báo nói về việc giá đất bị thổi lên quá cao. @Spiderum
Để hiểu rõ về vấn đề này, bạn hãy tưởng tượng bạn là một người có tài chính tốt, tức là bạn có đủ tiền (có thể là do nhà bạn giàu sẵn hoặc là bạn đã tích góp nhiều năm bằng chính sức lao động của bạn). Một ngày nọ, bạn thông qua người quen (tức là bạn có đủ thông tin), biết được rằng chính quyền sắp xây tàu điện chạy qua quận của bạn, một quận nghèo.
Kết hợp hai yếu tố chính mình vừa kể trên, tức là bạn vừa có đủ tiền, vừa có đủ thông tin, bạn quyết định đầu tư vào bất động sản ở quận bạn đang ở. Bạn dành 1 tỷ đồng mua 10 lô đất, mỗi lô 100 triệu.
Vì là quận nghèo, đất trống nhiều nên giá đất rất rẻ. Sau khi mua xong thì bạn đợi, sau một năm giá đất tăng từ 100 triệu mỗi lô lên 150 triệu, có người hỏi mua nhưng bạn không bán. Năm thứ hai, giá tăng lên 250 triệu mỗi lô, bạn vẫn không bán cho ai.
Rồi thì năm thứ ba, năm thứ tư, đến năm thứ năm thì giá đất tăng lên 500 triệu mỗi lô, bạn liền đem bán. Như vậy bạn thu về được 5 tỷ, lời gấp 5 lần so với ban đầu. Bạn kiếm tiền một cách hoàn toàn hợp pháp, không lừa đảo ai cả.
Nhưng cách kiếm tiền của bạn thì có vấn đề cho nền kinh tế. Thứ nhất là trong 5 năm bạn nắm giữ miếng đất đấy và từ chối những người mua, bạn đã lãng phí tài nguyên đất đó trong 5 năm. Trong 5 năm, những người cần đất ở đã không được ở, những cửa hàng, cửa hiệu, rạp phim, quầy tạp hóa đã có thể được mọc lên ở đấy.
Như vậy thay vì được dùng để đóng góp cho nền kinh tế và cung cấp chỗ ở cho nhiều người, 10 lô đất đã nằm trơ ra suốt 5 năm cho cỏ mọc.
Vấn đề thứ hai là việc giữ đất của bạn, hay còn gọi là đầu cơ, và của nhiều người khác đã tạo ra tình trạng khan hiếm đất, kết quả là giá đất đã bị đẩy lên cao, hay chúng ta thường gọi là “cơn sốt bất động sản”. Giá đất bị đẩy lên cao nên giá nhà cũng bị đẩy lên cao, những người thu nhập thấp không thể sở hữu nhà được.
Người giàu như bạn thì giàu lên, còn người nghèo thì khó thoát nghèo. Nhưng đó hoàn toàn không phải lỗi của bạn.
Tìm hiểu thêm Sự nguy hiểm của nền kinh tế dựa vào Bất Động Sản
Nếu có đầu tư vào bất động sản thì về phía cá nhân mình, mình cũng chỉ đầu tư vào các bất động sản nông nghiệp hoặc các loại bất động sản có thể cho thuê lại để xây nhà xưởng sản xuất, hoặc để kinh doanh tạo ra giá trị cho xã hội chứ không đầu tư ngắn hạn kiểu như đầu cơ.
2.3. Đầu tư vào dự án kinh doanh
Đây là hình thức đầu tư khá phổ biến, đó là bạn góp vốn cùng với bạn bè để mở một công ty kinh doanh một lĩnh vực nào đó, hoặc đơn giản chỉ là mở một shop quần áo, một quán cafe, …. Hình thức đầu tư này cũng có nhiều cái hay. Ưu điểm dễ thấy nhất là bạn vừa có thể đầu tư, vừa có thể sống với đam mê của mình, có thể làm điều mình thích hàng ngày nếu như bạn đầu tư vào lĩnh vực mà mình yêu thích.
Ngoài ra, nếu có sự cố gắng, có chuyên môn và một chút may mắn thì về lâu dài, hình thức đầu tư này có thể mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho bạn.
Nhược điểm của hình thức này là bạn phải có một chuyên môn nhất định, có thể là chuyên môn của bạn phải tương đối cao nữa cơ. Vì chẳng ai muốn góp vốn làm ăn với một người chỉ biết ngồi không hưởng thụ hết.
Còn nếu bạn muốn chỉ cần vung tiền đầu tư và chờ hái trái ngọt thì bạn phải có thật nhiều tiền. Một số Star-up chỉ cần tài chính từ nhà đầu tư kim cương, nhưng số đó rất ít, đa phần các Star-up vẫn luôn cần sự đồng hành của các nhà đầu tư để cùng phát triển doanh nghiệp.
Hình thức đầu tư này cũng có khá nhiều rủi ro, người ta thống kê được rằng tỷ lệ Star-up phá sản từ sớm là một con số không hề nhỏ. Chưa kể việc phải hùn hạp làm ăn chung với người khác sẽ đòi hỏi bạn phải có kĩ năng đối nhân xử thế, phải có một số mối quan hệ nhất định, nếu không thì dễ dẫn đến mâu thuẫn giữa các nhà sáng lập, dẫn đến sự tan rã của Star-up, không những mất tiền mà còn mất bạn.
2.4. Chế độ hưu trí
Nếu đi làm cho một công ty, một tổ chức nào đó, thì đây là chương trình mà bất kì người lao động nào ở Việt Nam đều bắt buộc phải tham gia. Chế độ hưu trí ở Việt Nam sẽ bao gồm ba loại bảo hiểm, là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.
Những người đi làm tự do (tức là không làm cho công ty) cũng có thể tham gia chế độ hưu trí này bằng việc đóng các khoản bảo hiểm một cách tự nguyện, nhưng theo như mình thấy, ngoại trừ bảo hiểm y tế ra thì số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội dạng tự nguyện này khá là ít.
Nếu như các bạn đi làm cho công ty và có kí hợp đồng lao động thì hàng tháng, công ty sẽ trích 10,5% trên thu nhập của bạn (bao gồm 8% cho bảo hiểm xã hội, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% cho bảo hiểm y tế) và trích 21% từ phía công ty (bao gồm 8% cho bảo hiểm xã hội, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp và 3% cho bảo hiểm y tế) để đóng các loại bảo hiểm này cho các bạn.
Đóng liên tục đều đặn hàng tháng thì khi tới tuổi nghỉ hưu, bạn sẽ có một khoản nhất định để dùng cho việc nghỉ hưu của mình.
Ưu điểm của loại hình đầu tư này là khá an toàn, vì nó tuân theo các quy chế của Nhà nước, và nếu bạn đi làm công ty thì công ty bắt buộc phải đóng cho bạn, bạn bắt buộc phải tham gia. Nếu công ty không đóng bảo hiểm cho bạn thì bạn có quyền kiện công ty, và khi đó, ngoài số tiền bảo hiểm mà công ty phải đóng trả lại cho bạn, công ty còn bị phạt một khoản rất nặng, cho nên ít có công ty nào dám né tránh việc này.
Hình 4: Tổng quan về cách tính bảo hiểm xã hội tại Việt Nam
Nhưng nhược điểm của kênh đầu tư này cũng giống như khi gởi tiết kiệm, tức là đều sẽ bị ảnh hưởng khá nặng bởi lạm phát. Ngoài ra, vì phải trích tới 21% trên tổng thu nhập của bạn để đóng bảo hiểm cho bạn nên một số công ty sẽ lách luật bằng cách chỉ ghi tượng trưng mức thu nhập của bạn trên hợp đồng lao động, còn con số thật sự sẽ không được thể hiện trên đó.
Tất nhiên là số tiền đóng bảo hiểm cho bạn khi kê khai vào chi phí của công ty sẽ thấp hơn rất nhiều, công ty sẽ đóng nhiều thuế hơn nhưng con số đó sẽ ít hơn 21%. Và công ty sẽ phải giải thích và thương lượng với bạn, nếu bạn đồng ý, hình thức này sẽ được áp dụng, bạn cũng sẽ đóng một khoản tiền ít hơn cho bảo hiểm của bạn, về trước mắt thì có vẻ có lợi nhưng về lâu dài thì người thiệt thòi vẫn là bạn thôi.
Ngoài ra, nếu bạn muốn sử dụng số tiền này thì phải đóng đều đặn cho tới tuổi nghỉ hưu thì mới được rút ra, còn nếu bạn rút ra sớm hơn thì con số bạn được nhận sẽ khá là thấp, và tuổi hưu ở Việt Nam là 55 cho nữ và 60 nam, một con số khá lớn nhỉ.
Tìm hiểu thêm cách tính bảo hiểm xã hội tại Việt Nam
2.5. Trữ vàng
Đây là kênh đầu tư cực kì phổ biến và ưa thích của đại đa số người dân Việt Nam, từ thời “ông bà anh” cho đến tận bây giờ. Ưu điểm của kênh đầu tư này là khá đơn giản, phù hợp cho đại đa số nhà đầu tư, từ không chuyên đến chuyên nghiệp. Kể cả những người cao tuổi cũng biết cách đầu tư vào vàng.
Nhưng nhược điểm của kênh đầu tư này là nó cực kì biến động. Tương tự như bất động sản, vàng là tài nguyên hữu hạn nên về dài hạn, giá trị của nó chắc chắn sẽ càng ngày càng tăng. Nhưng sự biến động của nó trong ngắn hạn thì rất khó đoán, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả trong nước và ngoài nước.
Chưa kể thị trường vàng bạc hiện tại rất phức tạp, nếu bạn không cẩn thận, rất có thể bạn sẽ gặp những trường hợp mua phải vàng giả hoặc vàng kém chất lượng.
2.6. Đầu tư vào tiền ảo
Đây là kênh đầu tư mới nổi trong những năm gần đây và được giới trẻ khá là ưa thích, đặc biệt là những bạn đam mê về công nghệ. Xét về khía cạnh đầu tư, mình chưa thấy được ưu điểm của kênh này.
Về nhược điểm thì tiền ảo chứa rất nhiều rủi ro, cụ thể:
- Giá trị của tiền ảo rất biến động, thậm chí sự biến động của tiền ảo còn phức tạp và xảy ra trong thời điểm cực ngắn (có thể tính bằng tích tắc).
- Hiện tại thì tiền ảo vẫn chưa được cơ quan nhà nước chính thức chấp thuận, mọi hoạt động đầu tư bằng tiền ảo đều tiềm ẩn rủi ro về mặt pháp lý.
- Tiền ảo quá dễ bị chi phối, nó dễ bị chi phối và thao túng tới mức mà chỉ cần 1 dòng tweet hay 1 câu status là có thể làm biến động cả một thị trường.
2.7. Đầu tư vào các sản phẩm đặc biệt, có giá trị cao
Đây là kênh đầu tư mang tính cá nhân và hưởng thụ nhiều hơn. Ở kênh đầu tư này, nhà đầu tư sẽ mua những đồ vật có giá trị cao ở thời điểm hiện tại nhưng sẽ có giá trị cao hơn rất nhiều ở thời điểm tương lai (như siêu xe, đồng hồ, trang sức, …), hoặc những đồ vật càng trải qua thời gian thì giá trị càng tăng (như đồ cổ, tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, …).
Ưu điểm của kênh đầu tư này là bạn có thể hưởng thụ chính những đồ vật đó trước khi bạn bán chúng. Ngoài ra bạn cũng có thể đầu tư theo sở thích, thú vui, thú chơi của chính cá nhân bạn. Nhược điểm của kênh đầu tư này là bạn phải có khá nhiều vốn, vì những đồ vật này không hề rẻ chút nào.
2.8. Đầu tư vào chứng khoán
Đây cũng chính là vấn đề chủ yếu mà mình sẽ chia sẻ trong seri này. Đây là kênh đầu tư mà các nhà đầu tư sẽ dùng kiến thức để đổi lấy tiền và ngược lại. Ưu điểm của kênh này là nguồn đầu tư của bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Các cổ phiếu bạn nắm giữ về dài hạn chắc chắn sẽ tăng trưởng và mang lại cho bạn một nguồn thu nhập tốt (mình sẽ chứng minh điều này trong các phần tiếp theo của seri). Ngoài ra, bạn không cần phải có quá nhiều vốn thì mới có thể bắt đầu đầu tư vào thị trường chứng khoán, một số cổ phiếu tốt chỉ đang ở mức từ 20.000 đến 25.000 / cổ phiếu thôi.
Việc đầu tư vào cổ phiếu cũng tương tự như việc đầu tư vào business vậy. Bạn nắm giữ cổ phiếu của một công ty thì bạn sẽ trở thành cổ đông của công ty đó, tức là đồng sở hữu công ty đó với các nhà sáng lập. Và bạn chẳng cần phải làm gì cả, cũng chẳng cần phải giao lưu, quan hệ với ai cả, công ty đã có những chuyên gia trong lĩnh vực của họ, ngày đêm luôn tìm cách để phát triển công ty đấy.
Mà công ty phát triển thì giá trị cổ phiếu mà bạn đang nắm giữ cũng sẽ tăng lên. Ví dụ như khi bạn mua cổ phiếu của Vingroup, bạn có thể tự tin nói là bạn đang đồng sở hữu tập đoàn Vingroup và bạn đang là cổ đông cùng với ông Phạm Nhật Vượng, nghe ngầu phết nhỉ (tất nhiên là cổ đông sáng lập là một khía cạnh khác và sẽ có những quyền lợi cao hơn rồi).
Một ưu điểm khác của đầu tư vào chứng khoán, đó chính là sẽ tạo ra giá trị cho xã hội. Khác với hình thức đầu tư vào bất động sản rồi bỏ không chờ tăng giá, việc đầu tư vào chứng khoán mặc dù về hình thức thì cũng tương tự như đầu tư vào bất động sản (cũng mua và giữ về dài hạn) nhưng tác động của nó vào sự phát triển của kinh tế và xã hội là hoàn toàn khác nhau.
Khi bạn mua cổ phiếu của một công ty, tức là bạn đang đưa tiền của bạn cho công ty đó làm ăn, bạn thì nắm giữ cổ phiếu còn công ty thì giữ tiền của bạn. Công ty sẽ dùng tiền của bạn để sản xuất và tạo ra giá trị cho xã hội, thúc đẩy nền kinh tế đi lên.
Bạn càng mua nhiều cổ phiếu, công ty càng có nhiều tiền để phát triển. Nếu công ty làm ăn tốt, công ty sẽ phát triển kéo theo giá cổ phiếu tăng, người nắm giữ cổ phiếu của công ty sẽ có lợi nhuận, họ cũng sẽ phát triển. Đồng thời xã hội có nhiều sản phẩm tốt, xã hội sẽ phát triển, kinh tế cũng sẽ phát triển, rất nhiều bên sẽ phát triển.
Còn nếu bạn ôm bất động sản thì chỉ có mình bạn phát triển, những thứ như kinh tế, xã hội, doanh nghiệp sẽ khó phát triển, và khi những thứ xung quanh bạn không phát triển được thì nó cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bạn.
Nhược điểm duy nhất của kênh đầu tư này là bạn bắt buộc phải có kiến thức, nếu không thì bạn chắc chắn sẽ mất tiền. Và mình ở đây cùng với seri “Đầu tư chứng khoán dành cho người chưa biết gì” là để giúp bạn khắc phục nhược điểm duy nhất này.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý độc giả đã đọc bài viết. Mọi thắc mắc về nội dung hoặc các khiếu nại về bản quyền, xin vui lòng gởi thông tin vào địa chỉ email: knowalot.net@gmail.com
Mr. Know xin chân thành cám ơn.