Review sách Thói Quen Nguyên Tử (Atomic Habits – James Clear)

Tóm tắt ý chính

  • Thói quen là những việc làm đơn giản hàng ngày, nhỏ bé tưởng chừng như không mấy giá trị, nhưng vì nó được lặp lại nhiều lần theo thời gian, nó lại mang đến kết quả vô cùng to lớn.
  • Xây dựng thói quen như thế nào .
  • Mục tiêu đều xuất hiện ở người thành công hay thất bại (người ta hay phân tích mục tiêu ở những người thành công mà quên rằng mục tiêu đó cũng xuất hiện rất nhiều ở những người thất bại).
  • Đạt được mục tiêu chỉ là thay đổi tạm thời (có nhiều cách đạt được mục tiêu mà thực tế hệ thống không hề thay đổi).
  • hãy thiết kế để các dấu hiệu trở nên rõ ràng, bạn có thể bắt đầu một cách đơn giản và mất ít nỗ lực nhất có thể.

Review sách Thói Quen Nguyên Tử (Atomic Habits – James Clear) – Thay đổi siêu nhỏ, hiệu quả siêu to

thoi-quen-nguyen-tu-atomic-habits

Lâu lâu lại “đụng” phải người rất giỏi về một chuyên môn nào đó. Có người cởi mở, cũng có người thích âm thầm, nhưng họ đều có mẫu số chung nổi bật nhất, đó là tính kiên trì và nhất quán. Nói, viết, làm podcast, video… đều đều từ năm này qua năm khác, càng làm càng hay.

Gần đây tôi có đọc 1 cuốn sách, tác giả James Clear công thức hóa lại những điều lặp lại đó bằng một thứ gần gũi: Thói quen.

Thói quen nguyên tử là gì, vì sao thói quen quan trọng

Thói quen là những việc làm đơn giản hàng ngày, nhỏ bé tưởng chừng như không mấy giá trị, nhưng vì nó được lặp lại nhiều lần theo thời gian, nó lại mang đến kết quả vô cùng to lớn.

Quy tắc 1%

1,01365 = 37.78

0,99365 = 0,03

Bạn cố gắng tốt hơn 1% mỗi ngày, sau một năm năng lực của bạn được nhân lên 37 lần, còn nếu bạn thụt lùi 1% mỗi ngày thì sau một năm năng lực của bạn giảm xuống 97% (~ gần như bằng 0). Sức mạnh ở đây (giống như lãi kép) là sự tích lũy theo thời gian.

Xây dựng thói quen như thế nào ?

Có thể chia việc thay đổi thói quen ra thành 3 pha thay đổi:

  1. Thay đổi kết quả đầu ra: thường liên quan đến mục tiêu.
  2. Thay đổi quá trình thực hiện: cách bạn thực hiện.
  3. Thay đổi căn tính: niềm tin và nhận thức.

Sai lầm phổ biến của chiến lược: là bắt đầu từ kết quả – đặt một mục tiêu đầu ra (vì nó dễ nhận thấy) và tìm cách hoàn thành nó.

Vì sao chú trọng quá nhiều vào mục tiêu lại là cách không hiệu quả:

  • Mục tiêu đều xuất hiện ở người thành công hay thất bại (người ta hay phân tích mục tiêu ở những người thành công mà quên rằng mục tiêu đó cũng xuất hiện rất nhiều ở những người thất bại).
  • Đạt được mục tiêu chỉ là thay đổi tạm thời (có nhiều cách đạt được mục tiêu mà thực tế hệ thống không hề thay đổi).
  • Mục tiêu giới hạn hạnh phúc của bạn (hạnh phúc cũng nằm ở hành trình chúng ta đang đi, bạn không cần phải chờ đợi sau vạch đích).
  • Mục tiêu ảnh hưởng đến quá trình dài hạn (bạn sẽ làm gì tiếp theo khi bạn đã trở thành nhà vô địch?).

Thay vào đó, chiến lược hiệu quả hơn sẽ là “Xây dựng thói quen bắt đầu từ căn tính”. Bạn sẽ loại bỏ 2 nhóm vấn đề PHỔ BIẾN nhất trong việc xây dựng thói quen:

  • Khả năng phù hợp: “tôi không hợp với điều này”, “tôi không thích” hay “tôi không có thời gian cho nó”,…
  • Đổ lỗi cho bản thân: “tôi không có kiên trì”, “tôi không có khả năng”,…

Giải pháp dựa trên quá trình

Thói quen có thể chia nhỏ ra thành 4 bước hình thành như sau:

  • Cue: các dấu hiệu
  • Craving: sự phản ứng (khao khát)
  • Response: quá trình phản hồi
  • Reward: phần thưởng

Cách xây dựng thói quen tốt

Là cách thiết lập để hỗ trợ từng quá trình hình thành hành vi, cụ thể sẽ là:

  • Cue: hãy thiết kế để các dấu hiệu trở nên rõ ràng, bạn có thể bắt đầu một cách đơn giản và mất ít nỗ lực nhất có thể.
  • Craving: tạo ra sự hấp dẫn.
  • Response: làm cho hành vi trở nên dễ dàng thực hiện.
  • Reward: tạo ra cảm giác thỏa mãn ở kết quả.

Sai lầm phổ biến ở bước bắt đầu

Bắt chước người khác mà không tìm hiểu kỹ càng, nếu bạn không có đủ nền tảng – là những câu trả lời tại sao cho các việc làm của mình, sớm muộn gì bạn cũng sẽ bỏ cuộc.

Thực hiện thói quen bằng “motivation” – động lực: khi có động lực thì hầu như ai cũng có thể thực hiện được. Nếu bạn hết động lực thì sao? Điều nguy hiểm đến từ “motivation” là bạn không kiểm soát được năng lực thực sự của mình, bắt đầu mọi thứ một cách “hăng say” và khi nguồn động lực hết bạn bắt đầu hứng chịu hậu quả.

Nên nhớ sức mạnh của thói quen là sự đều đặn qua thời gian, hãy bắt đầu bằng từng bước nhỏ, kỷ luật để giảm bớt “motivation”. Điều này cực kỳ quan trọng.

Cách loại bỏ những thói quen xấu

Đơn giản là lật ngược lại các giải pháp trên, khiến các dấu hiệu trở nên mở nhạt, làm cho sự nhận thức không còn hấp dẫn, thiết kế sự phản hồi trở nên khó khăn hơn và cuối cùng là xóa bỏ cảm giác thỏa mãn ở kết quả cuối cùng. Trong quá trình xây dựng thói quen, tôi nhận ra một điều khá tích cực, là khi bạn đã quá say mê để thực hiện nhưng thói quen tốt, thời gian dành cho các thói quen xấu sẽ không còn.

Câu chuyện xây dựng thói quen của tôi.

Thói quen chạy bộ

Khi bắt đầu bước vào “làng chạy bộ”, tôi hơi bất ngờ vì cách chạy của đa số mọi người – chạy như những vận động viên. Câu hỏi tôi hay nhận được nhiều nhất là: “Bạn chạy được pace bao nhiêu rồi???”

Ngay từ ban đầu, tôi xác định chạy bộ để bổ sung phẩm chất cho một người làm “khởi nghiệp – kinh doanh”, như cách gọi của tác giả là “Căn tính”. Có nhiều kiểu mẫu khác nhau nhưng riêng tôi sẽ lựa chọn là:

  • Căn tính phù hợp: kiên trì, nhất quán, cam kết, chậm rãi và chắc chắn, đam mê, tập trung vào giá trị – sức khỏe, tinh thần.
  • Quá trình thực hiện: tỉ mỉ tìm hiểu về chuyên môn, đọc sách về chạy bộ, bắt đầu bằng các cự li ngắn, đề cao nhất sự đều đặn và tính cam kết (5/7), sắp xếp lại tư duy trong quá trình chạy, tuân thủ 1 số quy định để hạn chế nhất chấn thương, trong trường hợp bất khả kháng quay trở lại tập ngay khi có thể, chia sẻ năng lượng tích cực với cộng đồng.
  • Mục tiêu đầu ra: bắt đầu bằng các buổi chạy ngắn, sau này là chạy 5/7 buổi một tuần (đều đặn vs có tính cam kết).

Đọc sách

Tập thể dục và đọc sách là 2 thói quen cơ bản tôi thường giới thiệu tới bạn bè, vì ai cũng cần sức khỏe và kiến thức. Tôi đọc đều một vài năm nay, do đặc thù công việc làm quản lý, thế nhưng để trở thành “một thứ không thể bỏ” thì chắc chỉ tính được 6 tháng.

Tôi dành ít nhất 30 phút mỗi sáng để đọc sách, luôn đi kèm 1 tách cafe.

Đọc chậm, suy nghĩ và ôn tập: cách đọc này khá chậm, thường sẽ khoảng 1 tháng/1 cuốn, nhưng bù lại nó hiểu quả hơn nhiều, giống với việc học hơn là đọc sách (cách đọc sách bạn có thể tham khảo qua cuốn “Học cách học”.

Bởi đọc chậm nên tôi phải lựa sách kỹ hơn rất nhiều để đảm bảo: ít nhưng chất.

Bản chất kiến thức sẽ chạy theo dòng: thông tin bên ngoài – thông tin ghi nhớ – hiểu kiến thức – ngộ “niềm tin”. Bạn có thể bám theo quy trình này để tối ưu cách đọc – học của mình.

Làm sao để có thông tin đúng, giá trị, phù hợp?

Làm sao để ghi nhớ tốt nhất (nếu không ghi nhớ bạn làm sao để hiểu?)?

Phương pháp để hiểu thông tin biến thành kiến thức của mình?

Suy ngẫm (reflection) để đưa kiến thức vào 1 tầng khác tốt hơn – là niềm tin, tư duy. Khi đó việc đọc mới thực sự mang lại giá trị.

Một vài điều thú vị khác:

Vòng lặp của thói quen – căn tính: Thói quen bổ sung căn tính cho bạn (chạy bộ đường dài bổ sung tính kiên trì, nỗ lực). Căn tính duy trì thói quen cho bạn.

Cùng một kết quả, nhưng kỳ vọng khác nhau sẽ dẫn đến cách làm khác nhau – kết quả là căn tính đem lại đối với từng người cũng khác nhau. Có người chạy để theo đuổi hiệu suất, có người chạy để rèn luyện kiên trì. Không có đúng-sai mà là sự phù hợp.

Bạn không thể rèn luyện căn tính trong 1 sớm 1 chiều: 1 tháng chạy một vài lần – để có được sự kiên trì là điều không thể.

Chạy là thời gian nghỉ ngơi cho bộ não, bạn nên tập trung vào hơi thở ít nhất trong vài phút. Khi mọi thứ lắng lại, bạn sẽ nhận ra điều gì là thực sự quan trọng.

Các thói quen đều có mẫu số chung, do vậy hãy coi trọng thói quen đầu tiên của bạn, nó sẽ là tiền đề, một dạng thức cơ bản cho những thói quen sau này.

Nguồn bài viết

Đây là bài viết review về cuốn sách Thói Quen Nguyên Tử (Atomic Habits – James Clear) của Quách Duy Long đăng trên Cộng Đồng Đầu Tư vào 2 tháng trước.

Sharkism xin cám ơn và chúc các bạn nhiều sức khỏe !

Dark mode