Tóm tắt ý chính
- Chúng ta không sợ ngay cả anh trai của chúng ta.
- Chúng ta cũng không sợ bạn bè của chúng ta.
- Các đồng chí có biết người nào trong Đảng chúng ta, trong nhân dân của chúng ta, nghi chúng ta sẽ thua Trung Quốc.
- Tuy họ cư xử tồi tệ, chúng ta biết rằng người của họ là bạn của chúng ta.
- Chúng ta không nói người dân Trung Quốc xấu với chúng ta.
Trong cuốn sổ tay của TBT Lê Duẩn năm 1978 mà gia đình ông còn giữ, có đoạn viết:
“Đất nước Việt Nam phải giàu mạnh và hùng cường. Đó là vị trí lịch sử và địa dư của Việt Nam, không thể khác được. Vì chúng ta ở bên cạnh một đất nước mà lịch sử của nước đó chưa bao giờ từ bỏ dã tâm xâm lược đất nước ta”.
1. Phát biểu của cố TBT Lê Duẩn vào năm 1979
Trích đoạn bài phát biểu của cố TBT Lê Duẩn năm 1979:
“Chúng ta không sợ ai cả. Chúng ta không sợ bởi vì chúng ta có lẽ phải. Chúng ta không sợ ngay cả anh trai của chúng ta. Chúng ta cũng không sợ bạn bè của chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta không sợ kẻ thù của chúng ta. Chúng ta đã đánh họ rồi. Chúng ta là con người, chúng ta không sợ bất cứ ai. Chúng ta độc lập. Cả thế giới biết chúng ta độc lập.”
“….Các đồng chí có biết người nào trong Đảng chúng ta, trong nhân dân của chúng ta, nghi chúng ta sẽ thua Trung Quốc? Dĩ nhiên là không có ai cả. Nhưng chúng ta phải duy trì các mối quan hệ bạn bè của chúng ta. Chúng ta không muốn hận thù dân tộc. Tôi lặp lại: tôi nói điều này bởi vì tôi chưa bao giờ cảm thấy căm thù Trung Quốc. Tôi không cảm thấy như thế. Đó là họ đánh chúng ta.
Hôm nay tôi cũng muốn các đồng chí biết rằng trong thế giới này, người đã bảo vệ Trung Quốc là chính tôi! Đó là sự thật. Tại sao vậy? Bởi vì trong hội nghị tháng 6 năm 1960 tại Bucharest, 60 đảng đứng lên chống lại Trung Quốc, nhưng chỉ có mình tôi là người bảo vệ Trung Quốc.
Việt Nam chúng ta là thế. Tôi sẽ tiếp tục lặp lại điều này: Tuy họ cư xử tồi tệ, chúng ta biết rằng người của họ là bạn của chúng ta. Về phía chúng ta, chúng ta không cảm thấy xấu hổ với Trung Quốc. Tuy nhiên, âm mưu của một số lãnh đạo (Trung Quốc) là một vấn đề khác.
Chúng ta coi họ chỉ là một bè lũ. Chúng ta không nói tới đất nước họ. Chúng ta không nói người dân Trung Quốc xấu với chúng ta. Chúng ta nói bè lũ phản động Bắc Kinh. Tôi nói lại điều này một lần nữa một cách nghiêm túc như thế.
Vì vậy, chúng ta hãy kiểm soát tình hình chặt chẽ, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, và không bao giờ nới lỏng sự cảnh giác. Về mối quan hệ với Trung Quốc cũng vậy. Tôi tin rằng trong 50 năm, hoặc thậm chí trong 100 năm, chủ nghĩa xã hội có thể thành công, và lúc đó chúng ta sẽ không bị vấn đề này nữa.
Nhưng sẽ mất một thời gian [dài] như thế. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị và sẵn sàng trên mọi phương diện.”
2. Đôi nét về các nhân vật có trong bài viết
Cố Tổng bí thư Lê Duẩn (1907–1986) là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ 1960 đến 1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1976 đến 1986. Ông là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam có tổng thời gian tại vị lâu nhất với 25 năm, 303 ngày. Từ 1960 cho đến khi qua đời năm 1986, có một ảnh hưởng chính trị rất lớn tại miền Bắc và ở Việt Nam sau 1975.
Đặng Tiểu Bình (1904-1997) có tên khai sinh là Đặng Tiên Thánh, khi đi học mới đổi là Đặng Hi Hiền (邓希贤), là một lãnh tụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. từng giữ qua các chức vụ:
- Phó Chủ tịch Đảng.
- Tổng thư ký Trung ương Thư ký Xứ Đảng Cộng sản Trung Quốc (còn gọi là Tổng thư ký Ban Bí thư Trung ương).
- Phó Thủ tướng Quốc vụ viện (1952-1966, 1973-4/1976, 7/1977-1987).
- Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc.
- Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (1978-1983).
- Đặc biệt là Chủ nhiệm Ủy ban Cố vấn Trung ương Đảng (1982-1987).
- Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (6/1981-6/1989).
Đặng Tiểu Bình
Chu Ân Lai (1898-1976) là một lãnh đạo xuất chúng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng giữ chức Tổng lý Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoatừ 1949-1976 và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ 1949-1958. Chu Ân Lai đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh giành quyền lực của Đảng Cộng sản, và sau này trong việc xây dựng nền kinh tế Trung Quốc cũng như tái cơ cấu xã hội Trung Quốc.
Chu Ân Lai
3. Tình hình chính trị sau Hiệp định Geneve
Năm 1954, việc Hiệp định Geneve được ký kết đã bẻ ngoặt nhận thức của ông Lê Duẩn về mối quan hệ đồng chí (aka Việt – Trung) đó. Dù trước đó, như bao nhà lãnh đạo khác của Việt Nam, ông Lê Duẩn thực sự tin rằng, Trung Quốc là người bạn lâu dài của cách mạng Việt Nam.
Ông Lê Duẩn kiên quyết phản đối việc chia cắt đất nước. Nếu buộc phải làm thế, thì việc chia cắt phải ở vĩ tuyến 13 chứ không phải ở vĩ tuyến 17. Nhưng mọi thứ đã diễn ra rất khác ở Geneva.
Với Lê Duẩn, Hiệp định Geneva là lần thứ nhất ông chứng kiến những người đồng chí Trung Quốc quay lưng với đất nước ông. Lần thứ hai là vào năm 1972, khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon sang thăm Trung Quốc, khi ấy ông Lê Duẩn đã trở thành Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Trước chuyến thăm của Nixon, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã có một cuộc gặp riêng với TBT Lê Duẩn, thông báo với Lê Duẩn rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận về vấn đề Việt Nam trong cuộc gặp sẽ diễn ra tại Bắc Kinh.
Richard Nixon trong cuộc gặp Chu Ân Lai năm 1972
TBT Lê Duẩn lập tức đáp lại:
Ông Chu Ân Lai, ông là người Trung Quốc, tôi là người Việt Nam, Việt Nam là đất nước của tôi, hoàn toàn không phải của các ông. Các ông không có quyền nói về vấn đề Việt Nam và các ông không có quyền thảo luận về các vấn đề của Việt Nam với Mỹ.
Nhưng không gì ngăn cản được Mỹ và Trung Quốc gặp nhau ở Bắc Kinh năm 1972.
Khi Nixon rời Trung Quốc, một lần nữa Thủ tướng Chu Ân Lai sang Việt Nam. Cuộc trò chuyện giữa TBT Lê Duẩn và Thủ tướng Chu Ân Lai đã diễn ra rất căng thẳng, khi nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã không giấu giếm sự gay gắt trong lời nói của mình:
Nixon đã gặp các ông rồi. Chẳng bao lâu nữa họ sẽ tấn công chúng tôi thậm chí còn mạnh hơn bây giờ. Nhưng tôi hoàn toàn không sợ. Dù thế nào chúng tôi vẫn sẽ thắng Mỹ.
Chu Ân Lai im lặng! Không lâu sau đó, Mỹ tiến hành “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”, đưa máy bay B52 ném bom miền Bắc, với quyết tâm đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.
Chính vì những nhận thức đó, nên trong các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Lê Duẩn luôn là người có thái độ cứng rắn, quyết liệt theo hướng không chịu lệ thuộc giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Những nhận thức của ông Lê Duẩn trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khiến ông luôn giữ sự cảnh giác trước những lời đề nghị từ giới lãnh đạo Bắc Kinh, nếu ông cảm thấy điều đó đe dọa đến độc lập, chủ quyền của đất nước mình.
Sự quyết liệt, không nhân nhượng trong các vấn đề liên quan đến độc lập, chủ quyền của ông Lê Duẩn chắc chắn là cái gai trong mắt giới lãnh đạo Bắc Kinh lúc đó, khi họ nhận ra ông Lê Duẩn không phải người dễ bị khuất phục.
Sau năm 1979, khi Việt Nam và Trung Quốc đã rơi vào tình trạng chiến tranh, ở Bắc Kinh, loa phát thanh khắp thành phố Bắc Kinh thường có những bài đọc lên án ông Lê Duẩn. Câu nói hay gặp nhất trên đài tiếng nói ở Bắc Kinh ngày đó là: “Đánh tan bè lũ Lê Duẩn – Nguyễn Cơ Thạch”.
Không còn nghi ngờ gì, TBT Lê Duẩn đã trở thành nhà lãnh đạo Việt Nam khiến Trung Quốc không hài lòng nhất! Nhưng sự thực là trong quá khứ đã có những thời điểm, Bắc Kinh dành cho ông Lê Duẩn một tình cảm rất nồng ấm. Những nhà lãnh đạo như Đặng Tiểu Bình và Chu Ân Lai từng là những người bạn thân của ông Lê Duẩn.
Lê Kiên Thành – Con trai TBT Lê Duẩn hồi tưởng: “Năm 1975, khi Chu Ân Lai thất thế và nằm trên giường bệnh, ba tôi sang Bắc Kinh, vào tận bệnh viện thăm Chu Ân Lai. Ba tôi hỏi: “Ông có khỏe không”? Chu Ân Lai ghé sát tai ba tôi thì thầm:
“Ngoài kia hẳn có những kẻ không muốn tôi sống đâu”.
Ba tôi và Chu Ân Lai – ở vị trí của mình, khi đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết, họ hẳn có nhiều điều không vừa lòng với nhau, nhưng đến thời điểm đó, họ vẫn coi nhau là bạn. Nếu không phải là bạn, chắc một nhà chính trị như Chu Ân Lai sẽ không bao giờ chia sẻ với ba tôi một điều sâu kín như thế.
Tháng 11.1960, Hội nghị 81 Đảng Cộng sản họp tại Moscow, giữa thời điểm quan hệ Trung Quốc và Liên Xô đang vô cùng xấu. Đó là Hội nghị mà Liên Xô muốn tập hợp lực lượng để cô lập Trung Quốc.
Khi ấy, nhiều Đảng Cộng sản trên thế giới đã ủng hộ Liên Xô cô lập Trung Quốc. Số còn lại im lặng. Chỉ có ba tôi đại diện cho Đảng Cộng sản Việt Nam là người duy nhất bảo vệ Trung Quốc.” (Lí do ông Lê Duẩn đưa ra cho quyết định này là muốn tập trung đánh Mỹ, mà muốn đánh Mỹ thì Việt Nam phải đoàn kết với cả Liên Xô và Trung Quốc).
Sau khi tham dự Hội nghị 81 Đảng, ông Lê Duẩn về đến Bắc Kinh và được người Trung Quốc đón tiếp như một anh hùng. 1 triệu người Trung Quốc đón ông ở quảng trường Thiên An Môn. Sự ủng hộ của ông Lê Duẩn nói riêng và Việt Nam nói chung, những việc đó đã khiến Đặng Tiểu Bình và Lê Duẩn trở thành những người bạn.
Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu Đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm hữu nghị Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (1973)
Cuộc gặp cuối cùng giữa họ diễn ra vào năm 1977. Đó cũng là lần cuối cùng ông Lê Duẩn sang thăm Trung Quốc. 2 năm sau – tháng 2.1979, Trung Quốc tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Đặng Tiểu Bình tuyên bố sẽ dạy cho Việt Nam một bài học.
Tình bạn giữa họ đã tan vỡ kể từ thời điểm đó. Hai tuần sau Tết Nguyên đán 1979, Đặng Tiểu Bình lệnh cho 600.000 quân Trung Quốc tấn công Việt Nam.
Có nhiều người nói, Việt Nam đã bất ngờ về cuộc chiến tranh đó. Nhưng đó có thể là sự bất ngờ đối với ai khác, chứ không phải đối với TBT Lê Duẩn.
Sau năm 1975, cả Liên Xô và Trung Quốc đều lo lắng về Việt Nam. Nếu như Liên Xô sợ Trung Quốc sẽ nghiêng hẳn về phía Việt Nam, thì Trung Quốc lại sợ Việt Nam sẽ thoát khỏi tầm ảnh hưởng của mình, trở thành một thế lực mới ở Đông Nam Á.
Trung Quốc bắt đầu lợi dụng quân Khmer Đỏ để gây khó cho Việt Nam để ngăn chặn bớt sức mạnh đó. Ngay từ thời điểm sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn có hơn 1 triệu quân chính quy.
Rõ ràng đó không phải một sự cẩn thận thừa thãi, khi mà chỉ 4 năm sau, Việt Nam đã phải cùng lúc chống chọi với hai cuộc chiến tranh ở hai đầu đất nước: Trung Quốc ở biên giới phía Bắc và Khmer Đỏ ở biên giới Tây Nam.
Người Việt Nam đã phải chống lại những người anh em, đồng chí, những người cùng ý thức hệ và đã giúp đỡ mình trong chiến tranh như Trung Quốc. Năm 1979 khi hai nước giao tranh ở biên giới, bộ đội Việt Nam vẫn đang mặc áo do Trung Quốc viện trợ!
Có nhiều người từng nói, ông Lê Duẩn là người ghét Trung Quốc một cách cực đoan. Nhưng khi còn sống, TBT Lê Duẩn đã nói rằng:
“Tôi chưa bao giờ cảm thấy căm thù Trung Quốc. Nhưng hiện tại họ đang đánh ta. Vì vậy chúng ta phải kiểm soát tình hình chặt chẽ, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, và không bao giờ nới lỏng sự cảnh giác. Về mối quan hệ với Trung Quốc, tôi tin rằng sẽ có ngày thay đổi. Nhưng chưa phải lúc này. Và chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng trên mọi phương diện”.
Lê Kiên Thành – con trai TBT Lê Duẩn kể rằng:
“Vài năm trước, tôi ghé thăm Ải Nam Quan (Hữu nghị Quan) – nơi được coi là biểu tượng cho tình hữu nghị hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Trong phòng trưng bày chân dung các vị lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc qua các thời kỳ, chỉ thiếu duy nhất ảnh ba tôi. Trong sâu thẳm, tôi tự hào vì Ba tôi – cố TBT Lê Duẩn là người đã quyết bảo vệ đến cùng từng tất đất ở đây, không mua bán, không mặc cả với bất cứ giá nào”!
Nguồn: Tham khảo tư liệu của ông Lê Kiên Thành (con trai TBT Lê Duẩn), Nhà thơ Việt Phương (Thư ký TBT Lê Duẩn), tài liệu New evidence on the Cold War in Asia thuộc dự án Cold War International History Project của Wilson Center (bản dịch), Vietnamnet.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý độc giả đã đọc bài viết. Mọi thắc mắc về nội dung hoặc các khiếu nại về bản quyền, xin vui lòng gởi thông tin vào địa chỉ email: knowalot.net@gmail.com
Mr. Know xin chân thành cám ơn.