Kỹ năng thiết yếu nên học từ Bardock – Tập trung đúng cách

bardock-diseno-original-dragon-ball-z

Tóm tắt ý chính

  • Nhưng trong một thời đại mà “sự cám dỗ” nhiều vô kể và chúng ta luôn phải tiếp xúc với nó mỗi ngày đã dẫn đến việc nhiều người trong chúng ta ngày càng mai một dần kỹ năng trên.
  • Có tác nhân lại xuất phát từ chính chúng ta, chẳng hạn như hay suy nghĩ vẩn vơ không đâu, nhớ lại bạn thơ ấu lâu rồi không gặp, lụy người yêu cũ,….
  • Hơn 40 năm về trước, mặc dù làm nhiệm vụ càn quét hành tinh Cereal, ông ta vẫn ra tay cứu giúp hai mẹ con Muezli và Granolah cùng với ông lão Namek tên Monaito.
  • Với việc đối mặt với nhiều cảm xúc khác nhau như vậy, quả thật rất khó để có thể chiến đấu với tâm thế tốt nhất.
  • Rõ ràng, cả Goku và Vegeta cũng từng để cảm xúc chen ngang trong trận đấu, khiến họ không thể phát huy được trạng thái mạnh mẽ nhất của mình là Ultra Instinct và Ultra Ego.

Đã có bao giờ bạn ngồi trên bàn học và tự nhủ với bản thân rằng: “Hôm nay mình phải quyết tâm ngồi học 3 tiếng mới được”. Và đúng là bạn ngồi 3 tiếng thật, nhưng không phải học bài mà là lướt internet.

Đó chính là sự mất tập trung. Bạn đã để cho cảm xúc “được thoải mái” kiểm soát mình.

Tập trung là một kỹ năng cực kì quan trọng giúp cho con người học tập hay làm việc hiệu quả. Nhưng trong một thời đại mà “sự cám dỗ” nhiều vô kể và chúng ta luôn phải tiếp xúc với nó mỗi ngày đã dẫn đến việc nhiều người trong chúng ta ngày càng mai một dần kỹ năng trên.

Lấy một ví dụ đơn giản mạng xã hội như Facebook, Tik Tok hoặc Twitter. Chúng ta lướt qua một bài viết, rồi một thước phim nào đó thì lại tiếp tục lướt sang một bài viết khác.. Xử lý xong một thông tin này thì lại đến một thông tin khác, và vòng lặp cứ thế tiếp diễn tưởng chừng như vô tận.

Chúng ta đã bị chúng “hút hồn”, chúng đã thôi miên bạn nhìn chằm chằm vào cái điện thoại hay máy tính suốt hàng giờ đồng hồ.

Ngoài ra, còn rất nhiều tác nhân khác khiến chúng ta xao nhãng. Có tác nhân lại xuất phát từ chính chúng ta, chẳng hạn như hay suy nghĩ vẩn vơ không đâu, nhớ lại bạn thơ ấu lâu rồi không gặp, lụy người yêu cũ,… Nói chung với những những người hay suy nghĩ, khả năng lớn họ cũng sẽ dễ mất đi sự tập trung.

Nhưng liệu những điều mình vừa đề cập có phải là nguyên nhân chính? Hay còn có lý do nào sâu xa hơn? Giờ ta hãy đào sâu vào nhân vật Bardock và nghiệm ra câu trả lời nhé!

Tình huống mà Bardock gặp phải

Trong arc Granolah, câu chuyện về Bardock đã được hé lộ thêm cho độc giả. Hơn 40 năm về trước, mặc dù làm nhiệm vụ càn quét hành tinh Cereal, ông ta vẫn ra tay cứu giúp hai mẹ con Muezli và Granolah cùng với ông lão Namek tên Monaito.

Tuy nhiên, nhóm Heeter đã phát hiện ra vẫn còn người sống sót trên hành tinh này. Thủ lĩnh của nhóm là Elec đã lấy súng bắn chết Muezli không thương tiếc.

Không lâu sau đó, Bardock lại phải chiến đấu với một đối thủ vượt trội là Gas, em trai của Elec. Thất bại trong việc bảo vệ người phụ nữ Cereal nọ, ông lại tiếp tục để cho lão Monaito bị Gas đánh văng vào ngọn đồi nhỏ cách không xa chỗ bọn họ. Và rồi, hàng loạt tảng đá đổ sập xuống người lão.

Dưới góc nhìn của Bardock mà nói, có lẽ lại thêm một mạng sống đã ra đi.

Đối diện với tình huống này, theo lẽ thường, ông sẽ nảy sinh ra những cảm xúc sau:

  • Tội lỗi, tức giận: Ông đã không thể bảo vệ được Monaito và Muelzi. Ông quá yếu đuối nên đã không thể hoàn thành trách nhiệm tự đề ra.
  • Lo lắng, hoang mang: Ông phải làm cách nào để có thể giúp cho đứa trẻ cuối cùng của tộc Cereal sống sót? Ông phải làm sao để có thể quay trở về bình an?
  • Hoài nghi về bản thân: Ông phải chiến đấu với một kẻ mạnh hơn mình rất nhiều. Liệu với sức mạnh của mình, ông có cơ may chiến thắng không?

Với việc đối mặt với nhiều cảm xúc khác nhau như vậy, quả thật rất khó để có thể chiến đấu với tâm thế tốt nhất. Rõ ràng, cả Goku và Vegeta cũng từng để cảm xúc chen ngang trong trận đấu, khiến họ không thể phát huy được trạng thái mạnh mẽ nhất của mình là Ultra Instinct và Ultra Ego.

Chính họ cũng phải học tập Bardock về việc làm chủ suy nghĩ và cảm xúc. Vậy chính xác là ông ta đã xử lý như thế nào?

Cách Bardock giải quyết vấn đề

Ban đầu, khi Muelzi bị giết chết, Bardock đã rất tức giận. Nhưng khi bước vào một trận đấu thực sự, ông hoàn toàn làm chủ những xúc cảm của bản thân. Ông không để cho chúng can dự vào trận chiến của mình. Kể cả khi sau đó ông lão Monatio hy sinh trong góc nhìn của ông, ông vẫn giữ một cái đầu lạnh và tiếp tục giữ vững tinh thần thép của một chiến binh thực thụ.

Điều này thể hiện rõ ràng khi Gas hỏi ông chiến đấu vì cái gì. Chuộc lỗi cho người Saiyan? Trả thù cho Muelzi và Monaito? Không. Ông chỉ tập trung đến một thứ duy nhất. Đó là CHIẾN THẮNG. khi chiến thắng, ông có thể có được mọi thứ. Bằng không, tất cả chỉ là hão huyền. Việc gạt bỏ đi cảm xúc nhất thời đã giúp ông chiến đấu toàn lực bởi không có gì ngăn cản ông cả.

Vậy làm cách nào mà Bardock có thể làm được điều đó? Hãy cùng mình phân tích kĩ hơn về điều này.

Tập trung vào quá trình, không phải kết quả

James Clear – tác giả của cuốn sách Atomic Habits đã từng phát biểu rằng: “Lợi ích lớn nhất mà mục tiêu mang lại là định hướng, và một khi bạn có định hướng rõ ràng, bạn nên dành phần lớn công sức của mình vào hệ thống và quy trình.”

Nguyên nhân sâu xa của việc mất tập trung có thể là do thiếu niềm tin về kết quả mình mong đợi. “Liệu mình có thể đạt được điều đó?” Một khi đã hoài nghi, con người ta vơi dần động lực. Internet hay những thứ khác chỉ khiến họ bị lôi kéo và chìm đắm trong sự hèn nhát của bản thân.

Mình biết nhiều người đọc đến đây sẽ nghĩ rằng: “Thằng ad nói gì vậy? Nãy thì bảo là Bardock tập trung vào chiến thắng. Giờ cái này là sao?” Nhưng nên nhớ rằng, Bardock cũng muốn bảo vệ hai mẹ con Granolah và Monaito. Ông cũng muốn sống sót trở về nhà. Chiến thắng không phải là mục đích duy nhất. Hay nói đúng hơn, chiến thắng mới giúp ông đạt được những điều trên.

Nếu như chỉ tập trung vào việc muốn cứu người, muốn sống sót trở về thì chắc hẳn Bardock sẽ nảy sinh ra những cảm xúc tội lỗi, lo sợ, hoài nghi mà mình đã đề cập ở trên. Kết quả là thứ mà chúng ta không thể kiểm soát được. Nhưng quá trình thì nằm trong tầm với. Đó là lý do vì sao chúng ta nên tập trung vào nó.

Rất nhiều người đã biết đến chân lý ấy, nhưng nhiều người cũng không thể làm tốt được. Nên nhớ, tập trung vào quá trình là không đủ. Một quy trình đúng đắn mới mang lại một kết quả thích hợp. Cách mà bạn thực hiện nó như thế nào mới chính là mấu chốt.

Goku từng tự hỏi mình làm thế nào để đánh bại Gas với sức mạnh của mình? Và nếu thất bại, anh sẽ phụ lòng Vegeta truyền chút sức lực cuối cùng cho mình. Anh sẽ không bảo vệ được Monaito, Granolah và không thể ngăn chặn kế hoạch của nhóm Heeter.

Với Vegeta, anh băn khoăn không biết nên chuộc lại lỗi lầm của người Saiyan như thế nào? Gây chiến với Granolah, kẻ chịu hậu quả thảm khốc từ cuộc càn quét của người Saiyan chẳng phải đi ngược với những gánh nặng, tâm sự trong anh sao? Chính việc chăm chăm vào kết quả đã ngăn họ sử dụng toàn bộ công lực của mình.

Còn Bardock, ông đã tìm ra một quy trình phù hợp để đạt được mục tiêu. Ông chọn cách chiến thắng để có tất cả. Từ đó ông tập trung vào từng đòn đánh của mình, tập trung kiểm soát nội tâm của mình. Và rồi sẽ có lúc đối phương bất cẩn, còn ông thì ngày càng tiến đến giới hạn của bản thân và cuối cùng sẽ phá vỡ nó.

Ông biết, chỉ cần làm tốt những gì mình đang làm ở hiện tại thì kết quả ông mong muốn sẽ tự khắc đến trong tương lai.

Để rồi, trận chiến kết thúc thật tuyệt đẹp. Bởi Bardock biết tập trung vào quá trình, còn Gas thì lại tập trung vào kết quả. Khi hắn đang trên đà thua Bardock, hắn đã tức giận và rồi hoang mang. Hắn hoài nghi khả năng của bản thân. Hắn cảm thấy tội lỗi vì không làm tròn trách nhiệm với Elec.

Đây quả là một minh chứng rõ ràng cho câu nói “Tập trung vào quá trình, không phải kết quả.”

Liên hệ với thực tế

Trở lại với ví dụ ban đầu. Bạn muốn có một công việc ổn định, lương cao. Bạn muốn trở thành người thành công, được mọi người công nhận. Con đường dễ nhất để đạt được điều đó là học tập. Nhưng bạn lo sợ rằng liệu chỉ học thôi thì có đủ không?

Nếu như mình không thể học giỏi, liệu mình có vào được trường đại học chất lượng không? Nếu không thì mình có thể có được công việc mơ ước không? Nếu không thì mọi người có coi thường mình không?

Bạn cảm thấy mục tiêu dường như quá xa vời nên bạn bắt đầu lướt mạng xã hội, nơi mà bạn càng bị lún sâu vào sự sợ hãi, mất niềm tin vào chính bản thân.

Đừng tập trung vào kết quả, hãy tập trung vào quá trình. Bạn sẽ nảy sinh cảm giác lo sợ trong lòng nếu chỉ nghĩ về kết quả. Chúng ta không thể kiểm soát được điều gì sẽ xảy. Chúng ta không thể biết kế hoạch đặt ra liệu có tiến triển tốt hay không? Chúng ta cũng chẳng thể hay những thành tựu có thể đạt được trong tương lai là gì? Nhưng chúng ta có thể kiểm soát được quá trình.

Nếu mục tiêu trở nên quá xa vời sẽ dễ khiến cho con người ta nản lòng và bỏ cuộc. Người thành công thường chia nhỏ mục tiêu của họ ra làm nhiều giai đoạn và xác định từng bước cần thực hiện trong quy trình. Như vậy có thể tránh được việc kết quả cuối cùng bị thay đổi không theo mong muốn cũng như đảm bảo quá trình sẽ diễn ra suôn sẻ, từ đó tiết kiệm được kha khá thời gian và công sức.

Do đó, hãy tập trung vào từng bài học bạn tiếp thu, rồi đến một lúc nào đó bạn sẽ thấy mình đã tiến bộ lên từ lúc nào không hay. Từ đó bạn mới bắt đầu di chuyển sang mục tiêu tiếp theo là vào trường đại học chất lượng. Sau đó là có một công việc mơ ước. Rồi đến danh vọng…

Nên nhớ một điều rằng thành quả không thể đến với chúng ta một sớm một chiều được mà đó là cả một quá trình gian khổ. Bạn không thể mới ngồi vào bàn học được hai, ba ngày mà đòi trở thành doanh nhân giàu có ngay được. Hãy vạch ra một kế hoạch đúng đắn, tin tưởng và làm theo nó. Rồi những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với bạn bởi vì bạn hoàn toàn xứng đáng.

Hãy thử tạo ra đam mê cho mình

Nếu để ý, Bardock vốn yêu thích việc chiến đấu nên ông mới có thể tận hưởng và đắm chìm trong trận chiến với Gas mà không bị những suy nghĩ và cảm xúc khác cản bước. Vậy nếu như bạn có thể chọn được công việc mình yêu thích thì bạn sẽ có động lực tập trung vào nó hơn. Tuy nhiên, không phải đam mê nào cũng giúp thỏa mãn nhu cầu sau cùng (như có nhiều tiền chẳng hạn).

Giả sử, có hai công việc A và B. Bạn yêu việc A và ghét việc B. Nhưng việc A thì không đủ cho bạn trang trải, còn việc B thì giúp bạn kiếm bộn tiền. Rõ ràng, trừ khi bạn có tâm hồn nghệ sĩ, bạn thà làm việc mình ghét còn hơn. Ít ai mà may mắn làm giàu trên đam mê của mình.

Trở lại ví dụ trước đó, nếu ngay từ đầu bạn đã thích học thì không thành vấn đề. Làm gì có chuyện nản chí rồi ngồi bấm điện thoại, phải không? Bằng không thì hãy học cách yêu nó. Tin mình đi, nếu bạn nghĩ về những gì bạn có thể đạt được khi hoàn thành mục tiêu, bạn sẽ yêu nó mê mệt đấy.

Bạn cứ nghĩ nếu mình có bằng cấp, có trình độ thì sẽ có công việc ổn định, lương cao. Vậy thì bạn sẽ yêu việc học của mình hơn đấy. Hãy học cách yêu một thứ giúp thỏa mãn nhu cầu và mong muốn sau cùng của bạn, rồi mọi chuyện sẽ tốt hơn là thỏa mãn cái “cảm xúc” nhất thời để rồi phải hối hận.

À mà khoan, nghĩ đến những gì mình đạt được sau cùng không phải đi trái với việc “Tập trung vào quá trình, không phải kết quả” hay sao? Thằng ad lại nói sảng à? Không. Nếu bạn quá coi trọng kết quả thì bạn sẽ sinh ra tâm lý lo sợ, lúc đó cũng sẽ làm hỏng quy trình.

Nhưng nếu bạn xem mục tiêu là động lực thúc đẩy cho bạn thực hiện tốt quá trình thì là chuyện khác. Việc bạn mong muốn mình đi đến kết quả ngay bây giờ khác với việc bạn cố gắng hằng ngày để một ngày nào đó kết quả tự tìm tới mình.

Làm gì để cải thiện sự tập trung?

Nếu bạn không học được cách yêu công việc của mình, không sao cả. Mình xin chia sẻ vài kinh nghiệm để cải thiện sự tập trung. Cách mà mình thấy hay nhất và đơn giản nhất chính là “Quy tắc 5 giây”. Về cơ bản, khi bạn quyết định làm việc gì đó, bạn hãy đếm ngược từ 5 xuống 1.

Điều này giúp “đánh lừa” bộ não của bạn khi không để cho nó suy nghĩ thêm mà hành động ngay lập tức. Mình đã áp dụng cách này suốt 3 năm học cấp ba và nó cực kì hiệu quả.

Mình cũng áp dụng một phương pháp giúp tăng cường sự tập trung. Đó là tọa thiền. Mình mới áp dụng cách này gần nửa năm thôi nhưng nó có công dụng thật. Có nhiều lúc bạn có một ý tưởng nảy ra trong đầu, nhưng bạn “sơ hở một tí” là quên nó ngay có đúng không? Bạn không kịp ghi nó vào sổ ghi chú luôn vì bạn có nhớ đâu. Thì thiền định có thể là lời giải cho vấn đề này.

Nói sơ qua một chút về tọa thiền, thì bạn sẽ ở trong tư thế bán già hoặc kiết già và bắt đầu đếm hơi thở của mình từ 1 đến 10. Đếm xong thì bắt đầu đếm lại tiếp. Cứ như thế mà lặp đi lặp lại. Nếu bạn đếm trật nhịp nào hoặc không nhớ mình đã đếm đến đâu thì hãy đếm lại từ đầu.

Thời gian đầu không quen thì kiểu nào bạn cũng sẽ cố thở cho đúng nhịp mình đếm, nhưng sau này bạn sẽ chạm đến mức biết mình thở ra hơi nào, hít vào hơi nào, lòng trở nên thanh tịnh. Nói thì hơi trừu tượng, đọc xong bài này bạn có thể tự tìm hiểu thêm.

Nếu bạn có thể kiểm soát được tâm trí của mình, không để cho nó đi “lang thang” theo tiếng gọi của “cảm xúc” nữa thì lúc đó bạn có thể kiểm soát được suy nghĩ và hành động của mình hoàn toàn. Mọi ý tưởng bạn nảy ra tức thời sẽ được lưu lại lâu dài.

Bạn cũng sẽ cao hứng thực hiện ý tưởng đó ngay tắp lự mà không chờ hôm khác mới làm. Kỹ năng tập trung cũng sẽ được mài dũa ở mức cao nhất. Mà việc ngồi thiền cũng giúp trí tuệ bạn được khai thông, đầu óc nhanh nhẹn, linh hoạt và sinh ra nhiều ý tưởng đột phá và mới mẻ hơn trước rất nhiều.

Ngoài ra, bạn nên có một lịch trình khoa học. Công việc và học tập xen kẽ với việc nghỉ ngơi, thư giãn hay tập thể dục để tăng cường sức khỏe. Việc này cũng giúp bạn tránh được việc “nản” khi quá áp lực và cũng có thể tăng cường sự chú ý và tập trung. Đôi khi dành thời gian vào công việc quá nhiều cũng là thứ khiến bạn mất tập trung, đưa ra ý tưởng kém sáng tạo hơn.

Và cuối cùng, có thể bạn đang nghĩ rằng: “Thằng ad khuyên vớ vẩn. Ngồi thiền, tập thể dục hay tập đếm gì gì có giúp kiếm nhiều tiền không?” Và câu thắc mắc đó cũng tóm gọn lại nội dung cốt lõi của bài viết này: “Tập trung vào quá trình, không phải kết quả.”

Nguồn: Hai Viên Ngọc Rồng Việt Nam – Dragon Ball Toronbo


Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý độc giả đã đọc bài viết. Mọi thắc mắc về nội dung hoặc các khiếu nại về bản quyền, xin vui lòng gởi thông tin vào địa chỉ email: knowalot.net@gmail.com

Mr. Know xin chân thành cám ơn.

Dark mode