Tóm tắt ý chính
- Giá tham chiếu là mức giá làm cơ sở cho việc tính giới hạn dao động giá chứng khoán trong phiên giao dịch.
- Giá tham chiếu của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang giao dịch là giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất trước đó (trừ các trường hợp đặc biệt).
- Là mức giá cao nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch.
- Là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch.
- Khi được nhập vào hệ thống giao dịch, lệnh mua MP sẽ được thực hiện ngay tại mức giá bán thấp nhất và lệnh bán MP sẽ thực hiện ngay tại mức giá mua cao nhất hiện có trên thị trường.
Nguyên tắc khớp lệnh thì các bạn đã biết rồi, vậy còn có bao nhiêu loại khớp lệnh ?
Trong seri bài viết Đầu tư chứng khoán cho người chưa biết gì, phần 2.3: WHAT – Các hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán, chúng ta đã tìm hiểu về các loại lệnh và nguyên tắc khớp lệnh. Ở trong bài viết đó, mình chỉ mô tả sơ qua về các loại hình khớp lệnh chứ không đi phân tích quá sâu vì thật ra với phương pháp passive investing truyền tải trong bài viết thì việc tìm hiểu quá sâu về các nguyên tắc khớp lệnh này là không cần thiết.
Nhưng ở phần mở rộng này, mình sẽ giới thiệu và đi sâu hơn một chút vào các nguyên tắc khớp lệnh để các bạn tham khảo nhé.
1. Các loại giá cần biết
1.1. Khái niệm giá tham chiếu
Giá tham chiếu là mức giá làm cơ sở cho việc tính giới hạn dao động giá chứng khoán trong phiên giao dịch. Giá tham chiếu của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang giao dịch là giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất trước đó (trừ các trường hợp đặc biệt).
1.2. Khái niệm giá trần/giá sàn
Giá trần: Là mức giá cao nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch. Công thức tính:
Giá trần = Giá tham chiếu + (giá tham chiếu × biên độ dao động)
Giá sàn: Là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch. Công thức tính:
Giá trần = Giá tham chiếu – (giá tham chiếu × biên độ dao động)
Ví dụ: Công ty Sharkism, niêm yết tại sàn HOSE, có giá đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua là 85k/cổ phiếu. Mức giá này sẽ được lấy làm giá tham chiếu trong ngày hôm nay: 85k/ cổ phiếu.
- Giá trần của cổ phiếu X trong ngày hôm nay sẽ là = 85 + (85×7%)= 90,95k/cổ phiếu.
- Giá sàn của cổ phiếu X trong ngày hôm nay: 85 – (85×7%)= 79,05k/ cổ phiếu.
Quy định biên độ dao động cổ phiếu của các sàn là:
- HOSE: 7%
- HNX: 10%
Quy định màu hiển thị trên bảng giá:
- Giá tham chiếu: màu vàng.
- Giá trần: màu tím (tím mộng mơ.
- Giá sàn: màu xanh da trời.
Hình 1: Màu sắc của các loại giá trên bảng điện tử
2. Nguyên tắc khớp lệnh
2.1. Các loại lệnh trong giao dịch chứng khoán
Lệnh LO (Limit Order): Là lệnh mua hoặc lệnh bán chứng khoán tại một mức giá xác định hoặc tốt hơn. Lệnh có hiệu lực kể từ khi được nhập vào hệ thống giao dịch cho đến hết ngày giao dịch hoặc cho đến khi lệnh bị hủy bỏ.
Lệnh ATO (At The Open): Là lệnh đặt mua hoặc đặt bán chứng khoán tại mức giá mở cửa. Lệnh ATO được ưu tiên trước lệnh giới hạn trong khi so khớp lệnh.
Lệnh ATC (At The Close): Là lệnh đặt mua hoặc đặt bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa. Lệnh ATC được ưu tiên trước lệnh giới hạn trong khi so khớp lệnh.
Lưu ý:
- Giá của các lệnh ATO và ATC sẽ được xác định căn cứ theo nguyên tắc khớp lệnh định kỳ (có trình bày chi tiết bên dưới).
- Để đảm bảo lệnh ATO, ATC được khớp, trước khi đặt lệnh nên kiểm tra lại số dư tài khoản có đủ trong trường hợp giá kịch trần không? (Bằng cách nhân giá trần với số lượng cổ phiếu dự tính mua).
Lệnh MP (Market Price): Là lệnh mua/bán chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất/ giá mua cao nhất hiện có trên thị trường. Khi được nhập vào hệ thống giao dịch, lệnh mua MP sẽ được thực hiện ngay tại mức giá bán thấp nhất và lệnh bán MP sẽ thực hiện ngay tại mức giá mua cao nhất hiện có trên thị trường.
Lưu ý: Lệnh MP có thể khớp lệnh gộp nhiều bước giá. Trong trường hợp khi khớp lệnh mà bên đối ứng đã hết, lệnh MP sẽ chuyển thành lệnh giới hạn (LO) cao hơn/hoặc thấp hơn mức giá khớp 1 đơn vị yết giá. Đơn vị yết giá: tùy theo từng sàn, với HoSE sẽ là:
- < 10,000đ – đơn vị 10đ
- 10,000 – 49,950đ – đơn vị 50đ
- >= 50,000đ – đơn vị 100đ
2.2. Các hình thức khớp lệnh
Đầu tiên các bạn có thể quan sát giờ giao dịch trong “Quy định thời gian giao dịch chứng khoán của các sàn”.
Hình 2: Quy định thời gian giao dịch chứng khoán của các sàn. @VNExpress
Theo trong bảng Quy định thời gian giao dịch của các sàn Chứng khoán, sẽ có 1 số khái niệm mới như sau:
2.2.1. Khớp lệnh định kỳ
Là phương thức giao dịch được thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán tại một thời điểm xác định. Nguyên tắc xác định giá là mức giá thực hiện đạt khối lượng giao dịch lớn nhất. Nếu có nhiều mức giá thỏa mãn điều kiện ở trên thì mức giá trùng hoặc gần nhất với giá thực hiện của lần khớp lệnh gần nhất sẽ được chọn.
Ví dụ về khớp lệnh định kỳ (ATO):
- Khối lượng mua: giá càng thấp số lệnh phù hợp càng lớn, tổng số cổ phiếu được tính từ trên xuống dưới.
- Khối lượng bán: giá càng cao số lệnh phù hợp càng lớn, tổng số cổ phiếu sẽ được tính theo hướng từ dưới lên trên.
- So sánh ở 2 khung tổng khối lượng mua và bán, ta có được khối lượng giao dịch lớn nhất sẽ ở mức giá 82, với 12000 cp được khớp.
- Toàn bộ các lệnh bán ATO và các mức giá 80, 81, 82 sẽ được khớp hết.
- Các lệnh mua ATO và mức giá mua 85, 84, 83 sẽ được khớp hết; mức 82k chỉ khớp 1 phần, còn dư 3000 cp.
- Mức giá khớp lệnh chung là cả phiên khớp lệnh định kỳ này là: 82k/cp.
Xem Video để hiểu thêm về khớp lệnh định kỳ
2.2.2. Khớp lệnh liên tục:
Là phương thức giao dịch được thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch. Trong khớp lệnh liên tục, hệ thống sẽ hoạt động theo nguyên tắc:
Ưu tiên về giá
- Lệnh mua có mức giá cao hơn được ưu tiên thực hiện trước.
- Lệnh bán có mức giá thấp hơn được ưu tiên thực hiện trước.
Ưu tiên về thời gian
- Trường hợp các lệnh có cùng mức giá thì lệnh nhập vào hệ thống giao dịch trước sẽ được ưu tiên thực hiện trước.
- Mức giá khớp lệnh (hay mức giá được thực hiện): là mức giá được nhập vào hệ thống trước.
Xem Video để hiểu thêm về khớp lệnh liên tục
2.2.3. Giao dịch thỏa thuận:
Là phương thức giao dịch trong đó các thành viên tự thoả thuận với nhau về các điều kiện giao dịch và được đại diện giao dịch của thành viên (CTCK) nhập thông tin vào hệ thống giao dịch để ghi nhận.
Điều kiện giá: mức giá của giao dịch thỏa thuận phải nằm trong khung dao động – giá trần và giá sàn của ngày giao dịch hôm đó.
Như vậy là các bạn đã biết hết về các nguyên tắc khớp lệnh, các loại lệnh và khớp lệnh rồi, và nó thật là phức tạp đúng không. Nhưng với phương pháp passive investing, mua không cần nhìn giá thì cứ set lệnh MP mà triển thôi nè. Chứ nếu cứ theo dõi và tính toán các loại lệnh trên sao cho tối ưu lợi nhuận thì thật là nhức đầu luôn ý.
3. Nguồn bài viết
Bài viết của tác giả Quách Duy Long đăng trên cộng đồng đầu tư khoảng 6 tháng trước.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý độc giả đã đọc bài viết. Mọi thắc mắc về nội dung hoặc các khiếu nại về bản quyền, xin vui lòng gởi thông tin vào địa chỉ email: knowalot.net@gmail.com
Mr. Know xin chân thành cám ơn.
Cảm ơn chia sẻ của bạn, mình bổ sung thêm ý trong lệnh MP vì mình thấy nó cũng rất quan trọng.
Nếu chưa khớp hết khối lượng, lệnh MP được xem lệnh mua tại giá bán cao hơn hoặc bán tại giá mua thấp hơn tiếp theo đang có trên thị trường. Sau khi giao dịch theo nguyên tắc này mà vẫn chưa khớp toàn bộ khối lượng đặt lệnh thì lệnh MP được chuyển thành lệnh giới hạn.
Trường hợp giá thực hiện cuối cùng là giá trần (đối với lệnh mua) hoặc giá sàn (đối với lệnh bán) thì lệnh MP trở thành lệnh LO mua tại giá trần hoặc lệnh LO bán tại giá sàn.
Lệnh MP chỉ được nhập vào hệ thống trong các phiên khớp lệnh liên tục. Trường hợp không có lệnh LO đối ứng tại thời điểm nhập lệnh thì lệnh MP bị huỷ bỏ.
Mình diễn giải hơi dài dòng. Phần bổ sung là đoạn cuối cùng: Lệnh MP áp dụng trong khớp lệnh liên tục & Lệnh MP có thể bị hủy bỏ nếu không có lệnh LO đối ứng! hêhê
Ôi cám ơn chia sẻ của Tuấn Anh nhiều lắm ạ.
Những thông tin này rất cần thiết cho những bạn mới bắt đầu tìm hiểu về chứng khoán luôn ý.
Một lần nữa, cám ơn Tuấn Anh rất nhiều!
bạn ơi “Lệnh MP có thể bị hủy bỏ nếu không có lệnh LO đối ứng” là sao ạ?
Xin chào Con Ong Chăm Chỉ.
Trường hợp này bạn cần nhìn cả 1 quy trình khớp giá thì nó sẽ hợp lý và dễ hiểu hơn. Bạn coi thêm ví dụ về khớp lệnh MP ở đây nhé.