El Nino là gì? Ảnh hưởng của siêu El Nino đến nuôi trồng thủy sản

Tóm tắt ý chính

  • “El Nino” (theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là đứa con của Chúa hay còn gọi là bé Hài Đồng nam) là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 – 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 – 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.
  • Vào năm 1920, một nhà khoa học Anh tên là Gibert Walker, khi nghiên cứu biến động của gió mùa, trong quá trình làm việc ông đã tìm được một số loại hình mưa của Nam Mỹ với sự thay đổi của nhiệt độ đại dương.
  • Như vậy, khái niệm El Nino là kết quả tương tác giữa khí quyển và đại dương mà thể hiện chủ yếu là hoàn lưu khí quyển với nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương, sự thay đổi của một phía sẽ gây ra phản ứng của phía kia.
  • El Nino không phải là một hiện tượng mang tính cục bộ ở vùng biển ngoài khơi Nam Mỹ, mà là một phần hệ thống tương tác có quy mô lớn, phức tạp giữa khí quyển và đại dương.
  • El Nino là một phần của bộ máy khí hậu ở vùng nhiệt đới có liên quan đến nhiều hiện tượng thời tiết thế giới, sự xuất hiện của hiện tượng El Nino biểu hiện sự dao động trong cơ chế của khí hậu toàn cầu.

Hiện nay, vấn đề làm cho không chỉ Việt Nam mà cả thế giới phải quan tâm đó là sự nóng lên toàn cầu. Hiện tượng này làm cho thời tiết thay đổi thất thường với những diễn biến phức tạp và khó lường như băng tan nhanh và mực nước biển dâng cao.

Với sự biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng nghiêm trọng thì các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân và họ chú ý đặc biệt đến El Nino. Vậy El Nino là gì? Và nó tác động thế nào đến trái đất chúng ta nói chung và đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng?

1. El Nino là gì?

“El Nino” (theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là đứa con của Chúa hay còn gọi là bé Hài Đồng nam) là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 – 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 – 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.

el-nino-la-gi

Minh hoa El Nino

Lịch sử nghiên cứu: Vào năm 1920, một nhà khoa học Anh tên là Gibert Walker, khi nghiên cứu biến động của gió mùa, trong quá trình làm việc ông đã tìm được một số loại hình mưa của Nam Mỹ với sự thay đổi của nhiệt độ đại dương. Ông cũng là người phát hiện đầu tiên mối quan hệ khí áp ở phía Đông và Tây Thái Bình Dương, ông gọi đây là dao động Nam bán cầu (Southern Oscillation).

Ngoài ra, ông còn nhận thấy khí áp phía Đông Thái Bình Dương giảm thường liên quan đến hạn hán ở Australia, Ấn Độ và một phần Châu Phi, làm cho mùa Đông ở Canada ấm lên. Tuy nhiên, để chứng minh cho các kết luận này cần có số liệu nhiệt độ ở vùng biển đó và số liệu trường gió trên cao, nhưng do điều kiện kỹ thuật lúc bấy giờ chưa đáp ứng được nên phải mấy chục năm sau phát hiện của ông mới được công nhận.

Đến năm 1966, một nhà khí tượng người Nauy là Jacob Bjerknes đã phát hiện ra tương tác hai chiều giữa đại dương và khí quyển. Ông giải thích sự ấm lên của nước biển trong suốt dải xích đạo từ ngoài khơi Nam Mỹ đến giữa Thái Bình Dương có liên quan đến sự yếu đi của đới gió tín phong.

Như vậy, khái niệm El Nino là kết quả tương tác giữa khí quyển và đại dương mà thể hiện chủ yếu là hoàn lưu khí quyển với nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương, sự thay đổi của một phía sẽ gây ra phản ứng của phía kia.

El Nino không phải là một hiện tượng mang tính cục bộ ở vùng biển ngoài khơi Nam Mỹ, mà là một phần hệ thống tương tác có quy mô lớn, phức tạp giữa khí quyển và đại dương. El Nino là một phần của bộ máy khí hậu ở vùng nhiệt đới có liên quan đến nhiều hiện tượng thời tiết thế giới, sự xuất hiện của hiện tượng El Nino biểu hiện sự dao động trong cơ chế của khí hậu toàn cầu.

Chu kỳ hoạt động của hiện tượng El Nino từ 2 đến 7 năm, có khi trên 10 năm. Thời gian xuất hiện trung bình của một hiện tượng El Nino là 11 tháng, dài nhất 18 tháng (El Nino 1982 – 1983).

2. Ảnh hưởng của Siêu El Nino đến hoạt động nuôi trồng thủy sản

Hai lần El Nino đáng kể gần đây là năm 2015 và 2019, gây hạn hán và xâm nhập mặn khiến diện tích cây trồng bị thiệt hại ít nhiều tới hàng trăm ngàn hecta. Như lần xâm nhập mặn 2019, nước mặn đã vào tận Bến Tre với độ mặn trên mười phần ngàn, gây tác hại cho vật nuôi lẫn cây trồng mẫn cảm độ mặn.

Lần này, đang diễn ra từ tháng 6 này có khác, là một siêu El Nino, sự tác động sẽ mạnh mẽ hơn, nặng nề hơn. Tình hình này sẽ ảnh hưởng con tôm, con cá tra chúng ta ra sao, chúng ta nên có sự quan tâm bởi vì đây là hai sản phẩm thủy sản chủ lực xuất khẩu.

el-nino-la-gi-anh-huong-cua-sieu-el-nino-den-nuoi-trong-thuy-san-nuoi-tom-nuoi-ca

Ảnh hưởng của Siêu El Nino đến nuôi trồng thủy sản

Theo thông tin, năm nay mưa sẽ ít hơn, như vậy các hồ thủy điện tích nước sẽ khó khăn, sẽ dẫn tới xả nước tạo điện có cầm chừng. Như vậy, ở mùa nắng năm sau, 2024, sẽ có khả năng tiếp tục thiếu điện và mặn sẽ có cơ hội xâm nhập sâu hơn. Vùng mặn sẽ có khả năng thiếu nước ngọt sinh hoạt… Như vậy tác hại của đợt El Nino này sẽ biểu hiện rõ hơn ở mùa nắng năm sau.

Nhưng ngay nửa cuối năm nay cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm. Thí dụ ít mưa, vụ lúa đông xuân sẽ gặp khó, lương thực sẽ giảm, chắc chắn giá sẽ tăng, tác động không hay lên đời sống người lao động. Với con tôm, con cá tra, sự tác động từ El Nino có nhiều mặt cần có sự tìm hiểu thấu đáo kịp thời, sẽ hạn chế thiệt hại và có thể tận dụng được cơ hội!

2.1. Ảnh hưởng Siêu El Nino đến hoạt động nuôi tôm

Nhớ giai đoạn 2010-2015 là khoảng tối của ngành nuôi tôm do bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND). Như cuối 2014, TS. Trần Hữu Lộc tìm ra tác nhận gây bệnh là loài vi khuẩn trong nước biển (sau này tìm ra thêm 4-5 loài có tác hại tương tự) nhưng không tìm ra nguyên nhân vì sao mật độ vi khuẩn này tăng quá cao.

Chúng ta biết mỗi lượt El Nino diễn ra, dòng hải lưu đã làm thay đổi môi trường sống của thủy sinh ven biển. Có thể làm giảm hoặc tăng các thủy sinh khác nhau, có cả vi khuẩn. Không biết từ năm 2015 nhờ công trình nghiên cứu thành công của TS. Lộc tìm ra tác nhân và từ đó lên phác đồ phòng trị bệnh AHPND này, nên ngay sau đó bệnh này giảm đáng kể.

Có sự trùng hợp là năm 2015 là năm có El Nino. Sau đó là vài năm an toàn tương đối của ngành nuôi tôm. Nhưng từ năm 2019 đến nay vi bào tử trùng (EHP) tăng sự hiện diện ngày càng cao, nhất là năm nay, 2023, tác hại từ EHP lên cao điểm. Một sự trùng hợp El Nino khu vực nước ta, gần đây diễn ra năm 2019.

Có phải El Nino 2015 đã làm giảm vi khuẩn AHPND và El Nino 2019 làm tăng mật số EHP? Đây chỉ là một suy nghĩ cá nhân, đúng sai phải có nghiên cứu thấu đáo của các nhà khoa học. Thực tế, đã có nghiên cứu EHP hiện diện vùng nuôi tôm của ta chục năm rồi, nhưng vì sao ngày càng lan rộng thì chưa có kết quả nghiên cứu nào chỉ ra.

Tôi nêu lý giải có chút khiên cưỡng nói trên nhằm tìm tới mối liên quan khi El Nino năm nay diễn ra, vùng nuôi tôm của ta sẽ lành hay dữ, nghĩa là có thể EHP giảm hoặc mất đi, nhưng cũng có thể có loài vi sinh khác xuất hiện! Dẫu sao, với trình tự trên, sẽ có khả năng EHP sẽ ‘trôi dạt” về xứ khác, cũng là một an ủi nho nhỏ khi đứng trước bao ao tôm cứ thả từ 15-30 ngày là chết lai rai, còn lại không chịu lớn, do EHP gây ra!

Một điểm khác cũng cần quan tâm, tình hình El Nino xuất hiện theo tần suất 2-7 năm/lần thì chủ trương chung không thể lo nổi cho vùng lợ, chỉ tập trung bảo toàn vùng ngọt, như vậy diện tích nuôi tôm nói riêng, nuôi hải sản nói chung, có xu thế mở rộng. Đây cũng phải là điều gì quá đáng lo, bởi đó là chuyện thuận thiên và vùng ngọt thừa bảo đảm an ninh lương thực.

2.2. Ảnh hưởng Siêu El Nino đến hoạt động nuôi cá

Chắc chắn xâm nhập mặn sẽ tác hại vùng nuôi cá bị mặn đến “thăm”. Cá sẽ bị thiệt hại, chậm lớn, thậm chí màu sắc thịt cũng không như mong muốn. Vùng nuôi cá phải chuyển về thượng lưu, và từ lần El Nino trước, 2019, chuyện này đã diễn ra.

Không biết siêu El Nino này, mùa nắng 2024 mặn sẽ xâm nhập tới đâu, nhưng chắc sẽ sâu vào bên trong hơn so năm 2019. Dĩ nhiên, chỗ này các hộ nuôi có nguy cơ bị tác động phải có quan tâm, phải tính toán nuôi né mặn về.

Ngành nuôi cá cũng đang gặp khó không thua bên nuôi tôm. Nuôi tôm thì tỉ lệ thành công thấp, giá thành cao khó tiêu thụ. Nuôi cá thì tỉ lệ thành công thấp từ khâu sinh sản, ương và cả nuôi. Cá bố mẹ chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức để đạt tính trội như tăng sức chịu đựng, tăng trọng và nhất là tỉ lệ phi lê.

Bên cá rô phi các nước (Trung Quốc, Philippin) đã có nhiều tiến bộ đáp ứng các yêu cầu này. Một chuyện ngành cá tra cũng ít nhiều quan tâm như tập trung diện tích nuôi các địa phương thượng nguồn sông Mekong khiến vùng nuôi tập trung hơn, dễ ô nhiễm hơn; mặt khác theo xu thế phải đảm bảo phúc lợi vật nuôi thì ngành cá không thể nuôi mật độ quá dầy như hiện nay, áp lực đất cho mở rộng vùng nuôi thêm lớn.

Tóm lại, El Nino gây thiệt hại không nhỏ mỗi lần diễn ra. Tác hại lên sinh hoạt vùng nông thôn ven biển; tác hại lên cây trồng vật nuôi, dẫn đến tác hại thu nhập người dân. El Nino còn nhiều tác hại chiều sâu khác nữa, thí dụ như ngành khai thác biển có thể bị ảnh hưởng do các đàn cá dịch chuyển…

Ở đây chỉ tập trung quan tâm tới tác hại cho con tôm, con cá tra, tuy sự quan tâm tôi nêu ra chỉ có tính chất suy diễn, nhưng thiết nghĩ dù sao cũng là một suy nghĩ có nền tảng thực tế. Chỉ hy vọng, chúng ta biết dự đoán, dự tính các tình huống để “né” kịp thời các tác hại và tranh thủ cơ hội.

Một cơ hội đó là hy vọng EHP sẽ bị nước biển cuốn đi. Ngành nuôi tôm phục hồi nhanh và tăng tỉ lệ nuôi thành công… Và cái gì xấu tốt sẽ tới sau đó, liệu tình hình mà tính sau thôi.

Theo TS. Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN.


Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý độc giả đã đọc bài viết. Mọi thắc mắc về nội dung hoặc các khiếu nại về bản quyền, xin vui lòng gởi thông tin vào địa chỉ email: knowalot.net@gmail.com

Mr. Know xin chân thành cám ơn.